Cơn bão lô đề “càn quét” đời sống sinh viên
Sinh viên nghiện lô đề
Trên một chuyến xe buýt, tôi đứng cùng một nhóm bạn sinh viên trường đại học FPT, đi từ bến xe Mỹ Đình về Cổ Loa. Một bạn nam sinh viên lên tiếng: “Bà già tao mới gửi ra cho ”chai rưỡi” (1,5 triệu), tối nay tao “ốp” luôn cho con 73, đứa nào còn thì thêm vào”.
Nhà trọ ở khu ngọai thành nhưng cả nhóm bàn nhau xuống ở bến xe Nam Thăng Long, rồi gọi điện cho 1 người bạn cùng lớp trọ ở Cổ Nhuế tên Tuấn. Nhóm bạn quyết định qua nhà Tuấn để tối nay khi có kết quả thì đi bữa nhậu cho ra hồn vì ngoại thành có ít chỗ chơi. Cậu sinh viên bấm số điện thoại như chừng rất quen thuộc: “Anh ơi, ghi cho em con 73, hai củ anh nhé”.
Tại quán nước trước cổng trường ĐH Điện Lực, 1 nhóm 4 sinh viên nam từ cổng trường bước ra gọi trà đá và cất lời “Hôm nay có thể ghi nợ cho em mấy trăm điểm lô bà chị? Hôm qua em đã rớt thê thảm rồi, nay chị cứu em đi, túi thủng đáy rồi”.
Chị bán nước sòng phẳng “Không được đâu em ơi, ghi nợ thì chị không bao giờ. Là khách quen nên chị cho chịu tiền nước hôm nay”. Sinh viên kia đáp lại “Ối giời, tưởng ghi nợ cho chứ tiền nước thì em có thừa để trả chị”.
Nhóm sinh viên ngồi bàn bạc một lúc, vì theo như tính toán là hôm nay nhất định về con này, kết lắm rồi. Cả hội đồng ý và có một cậu bạn lên tiếng: “Thằng nào có cái gì thì cắm đi, chơi thì chơi cho đẹp, chứ lúc trúng lớn thì đứa nào sướng cho…”.
Sau một lúc, nhóm sinh viên đó quay lại: “Bà chị ghi cho em 300 điểm con 57 và 200 con 75. Hôm nay vào chắc rồi bà chị ơi”. Nhóm sinh viên vừa ngồi uống nước vừa đợi kết quả sổ xố, cuối cùng thì cũng tới giờ phút chờ đợi, tất cả điện thoại rung lên vì tin nhắn, cả hội đập bàn và chửi bậy… “Thôi đi về, nay xui đ… chịu được”.
Sự trả giá cay đắng
Cứ nghĩ lô đề, cờ bạc là cách kiếm tiền nhanh chóng, không mất sức lao động hay đổ một giọt mồ hôi, nhiều sinh viên đã bị cuốn vào vòng xoáy khó có thể dứt ra.
Với những sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học, lô đề càng có sức lôi cuốn, một phần vì tham vọng làm giàu, một phần vì sự dụ dỗ của bạn bè. V – sinh viên năm thứ nhất, ĐH Vinh được những người bạn vừa quen ở thành phố dẫn dắt vào lô đề. Ban đầu, đánh ít mà trúng, tự nhiên V. thấy cách kiếm tiền này thật là đơn giản.
V. bắt đầu chơi lớn hơn, từ tiền chục, đến trăm, rồi đến tiền triệu, chục triệu. Từ một đứa con ngoan của gia đình, với niềm tin tưởng tuyệt đối của bố mẹ, V đã xin tiền bố mẹ với lý do nhiều khoản phát sinh. Cũng vì thương con, sợ xa nhà một mình vất vả học hành nên ba mẹ cũng sẵn sàng cho con tiền. Nhưng cứ cầm tiền lên thành phố là V. lại trút hết vào lô đề.
V. cũng bắt đầu lơ là đến việc học mà chỉ quan tâm đến lô đề và nghiên cứu giải mã bí ẩn cho giấc chiêm bao để tìm ra những con số cho lô đề ngày mai. Không lâu sau, bạn bè cũng nhận thấy gương mặt gầy rộc hẳn của V. Về nhà thì cha mẹ xót con nên con xin tiền lại chạy đi vay mượn, chỉ sợ con đói mà không có sức để học tốt.
Tình trạng ấy cứ tiếp diễn… cho đến cuối kỳ 1 năm thứ 3 thì một người bạn cùng làng mới kể cho người chị gái của V. biết. Tiền học của V. nướng hết vào lô đề nên nhà trường buộc phải đình chỉ thi vì không đủ điều kiện. Tính tổng thể V còn nợ trên 10 môn, khoản nợ các chỗ vay nóng cả gốc và lãi đã lên tới hơn 50 triệu.
Cũng vì giấc mộng làm giàu nhanh chóng mà C – ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh lao vào lô đề nhanh chóng, tiền xin gia đinh, tiền đi vay bạn bè, rồi lơ là với việc học, C thích chơi lớn để trúng lớn.
Lần trúng lớn nhất của C là 60 triệu đồng. C đã làm một bữa linh đình đãi bạn bè, rồi đi mua cho mình con xe LX chạy ngược xuôi cho tiện. Cũng từ lần trúng lớn mà C lại bị một sức hút lớn hơn bội phần, C bỏ luôn cả việc học, rồi sà vào lô đề như người nghiện ma túy, đi cắm hết đồ để có tiền chơi.
Rồi thua rồi thắng cứ diễn ra từng ngày, C lại quyết định cắm con xe để dốc hết tiền cho lần chơi tiếp. Nhưng cái gì đến cũng sẽ đến, ván bài không như ý, C trắng tay với canh bạc cuối cùng, giấy đình chỉ học của nhà trường cũng đã nhận được…
Theo Đặng Thắm
Lao động