Cô gái từ chối học tiến sĩ trời Tây bởi tình yêu với… mắm
Đào Thị Hằng là chị cả trong một gia đình nghèo có sáu chị em ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gia đình chị từng làm nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn, những mớ cá, mớ tôm của dòng sông này đã nuôi sống cả nhà.
Hằng kể bằng giọng hồn nhiên : “Mỗi khi đi học về, nghe mùi mắm trong nhà của mẹ xộc ra là thấy đói cồn cào. Bữa cơm toàn mắm là mắm nhưng mấy chị em ăn ngon lành, lúc nào cũng ăn hết cả phần cơm cháy, cậu em trai còn tráng xoong bằng một muỗng nước mắm rồi cho vào miệng nom còn thòm thèm. Sáu chị em mình đã lớn lên bằng các thức mắm của mẹ như vậy đó”.
Một điều đặc biệt, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ba mẹ Hằng vẫn cưu mang một người cháu ruột mồ côi từ nhỏ, năm nay lên lớp 12. Cảm nhận được tấm lòng của ba mẹ, Hằng luôn đặt chữ tâm lên đầu trong bất cứ công việc gì…
Chị kể, thuở cơ hàn, nhà chị nghèo đến nỗi chẳng có khoản tiết kiệm hoặc tài sản nào trị giá đến 500.000 đồng, là chi phí tối thiểu sinh hoạt phí một tháng học đại học lúc bấy giờ. Trong tâm trí chị lúc đó, tốt nghiệp cấp 3 xong sẽ đi học nghề cắt tóc, thợ may hoặc đi làm lò gạch kiếm sống.
Năm đó, chị thi đậu thủ khoa của trường Đại học Nông lâm Huế với số điểm 26, may mắn nhận học bổng Tiếp sức đến trường và Học bổng thủ khoa của Nhật. Vào đại học, thành tích học tập của chị luôn đứng đầu lớp, chị là lớp trưởng được bạn bè, thầy cô yêu quý, là sinh viên xuất sắc của trường.
Bên cạnh đó, Hằng tích cực tham gia nhiều hoạt động tình nguyện hè, tiếp sức mùa thi. Chị cho biết, chính những hoạt động này đã giúp hồ sơ của chị nổi bật rất nhiều trong quá trình xin học bổng du học sau này.
Với sự nỗ lực không ngừng, vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chị đã trở thành một trong 20 sinh viên Việt Nam xuất sắc nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của bộ Ngoại giao Australia.
Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” tại Đại học Adelaide, Hằng tiếp tục nhận học bổng tiến sĩ nhưng chị đã từ chối để trở về quê hương, “đi theo mùi mắm” – như cách nói của chị.
Lòng nhân ái chính là động lực
Trước khi sang Úc học, Hằng làm cho một dự án hỗ trợ người dân tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Đây là một dự án được tài trợ bởi chính phủ Phần Lan, thí điểm trên ba xã, xã Triệu Vân, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong) và xã Hải Quế (huyện Hải Lăng), tỉnh Quảng Trị.
Nụ cười lạc quan luôn thường trực trong chặng đường của cô gái 28 tuổi này.
Những buổi làm việc trực tiếp với người dân, chị thường chọn ở lại qua đêm trong những gia đình phụ nữ đơn thân. Bên bữa cơm đạm bạc, dưới chái bếp cũ kỹ, nghe những người phụ nữ này tâm sự, giọt nước mắt tủi hờn trong câu chuyện của họ đã làm chị đau đáu suy nghĩ, phải làm gì đó để giúp họ.
Không chồng, họ vừa làm mẹ, vừa làm cha, vất vả nuôi con khôn lớn, chị hiểu “nếu một gia đình có vợ chồng ở vùng quê nghèo này nuôi con cực một, thì phụ nữ đơn thân nuôi con phải cực gấp năm lần”. Chính sự đồng cảm với hoàn cảnh người phụ nữ đơn thân và mong muốn giúp họ có cuộc sống tốt hơn là động lực cho sự chọn lựa của chị.
Bên cạnh đó, chị đã có lần trò chuyện với ông Dương Quang Thiện – là người đã cấp hơn 2.000 học bổng cho sinh viên nghèo, trong đó có Hằng. Ông từng du học ngành Khoa học máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM, nhưng ông cùng vợ Tây quyết định về nước năm 1965 và đặt nền móng cho ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, chỉ đơn giản là “Việt Nam cần tôi hơn là các nước phát triển”.
Ông Thiện đã trao đổi với Hằng về mong muốn khôi phục lại nghề mắm truyền thống của quê hương. Vốn có tình yêu đặc biệt dành cho mắm, Hằng thích ý tưởng này và quyết định về nước bắt đầu dự án từ chính số tiền tiết kiệm trong hai năm học ở Úc.
Biết rằng, con đường phía trước sẽ lắm gian nan nhưng cô gái giàu nghị lực, và quyết tâm này luôn tâm niệm rằng, nơi nào có ý chí, nơi ấy nhất định có con đường…
(Còn tiếp)
Diệu Ái