Thất thu ngân sách hơn 6.000 tỉ đồng mỗi năm vì nạn thuốc lá lậu
Thuốc lá lậu vẫn … “sống khỏe”
Có dịp cùng lực lượng QLTT theo dõi các đối tượng vận chuyển, buôn lậu thuốc lá mới thấy hoạt động vận chuyển, buôn lậu thuốc lá được tổ chức rất bài bản, với một quy trình chặt chẽ và tinh vi.
Tại địa bàn An Giang hay Long An, các chủ đầu nậu thường tổ chức người sang Camphuchia tập kết thuốc lá điếu ngoại tại khu vực biên giới, sau đó chia nhỏ hàng hóa, chờ giờ nghỉ hoặc đêm tối lúc thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các các lực lượng chức năng để vận chuyển qua biên giới đưa sâu vào nội địa để tiêu thụ. Mỗi công đoạn đều có người cảnh giới, canh đường, bố trí người theo dõi lực lượng chức năng. Các đối tượng này thường sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, với sự móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.
Tình trạng thuốc lá lậu phổ biến trên toàn quốc
Theo đại diện Chi cục QLTT Tây Ninh: Cái khó hiện nay là các đầu nậu thường không công khai hoạt động. Phần lớn các đối tượng bị bắt giữ liên quan đến thuốc lá lậu là cư dân biên giới hoặc dân nghèo không có nghề nghiệp ổn định, chọn việc mang vác hàng thuê để làm kế sinh nhai, duy trì sự sống.
Đây là một thực tế khá phổ biến ở các huyện vùng biên khi mà công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến nhận thức của một bộ phận nhân dân và người kinh doanh về pháp luật thương mại, về ý thức phòng, chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu rất hạn chế.
Trong khi đó, tại các thành phố lớn, với giá bán thấp do không phải chịu thuế, phí; lại không bị giới hạn hàm lượng Tar, Nicotin… nên thuốc lá lậu vẫn tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Người kinh doanh thì lén lút bán thuốc lá lậu do lợi nhuận từ thuốc lá lậu gấp nhiều lần kinh doanh thuốc lá hợp pháp. Với “đầu vào” phong phú, hấp dẫn; “đầu ra” ổn định…, việc buôn bán thuốc lá lậu vẫn liên tục phát triển, bất chấp những cố gắng của các lực lượng chức năng.
Phối hợp tạo sức mạnh tổng lực
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương): Trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, lực lượng QLTT vẫn quyết tâm kiểm tra, kiểm soát chặt trên thị trường.
Từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng QLTT đã xử lý 4.712 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 14 tỷ đồng, tịch thu hơn 1 triệu bao thuốc lá các loại; số lượng thuốc lá thu giữ bằng 96% so với cả năm 2013. Đặc biệt là trong 3 tháng triển khai đợt kiểm tra cao điểm, số vụ xử lý bằng 75% và số thu đạt trên 50% so với 8 tháng năm 2014.
Ông Tín nhận định, để chống thuốc lá lậu đạt hiệu quả, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Trong đó, cần tổng hợp sức mạnh của các lực lượng từ Trung ương đến địa phương. Để làm sạch thị trường, các lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an và các lực lượng chức năng chống buôn lậu của huyện, thị, xã biên giới phải chủ động tổ chức tuần tra, kiểm soát ở những tuyến đường vận chuyển thuốc lá lậu trong khu vực biên giới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các địa bàn tập kết, các khu vực, tuyến phố nổi cộm về hoạt động buôn bán các sản phẩm này.
“Đi đôi với công tác kiểm tra thường xuyên, cần sớm lập các chuyên án để xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng vi phạm, không để tồn tại các đường dây, tụ điểm tập kết, vận chuyển và buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu nổi cộm” – ông Tín kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, với sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nhận thức đầy đủ và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương,… các lực lượng chức năng cần chủ động và phối hợp chặt chẽ xây dựng phương án, biện pháp, kế hoạch phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ có hiệu quả với phương châm phát hiện, ngăn chặn ngay từ biên giới, bắt giữ, xử lý quyết liệt trong nội địa, kiên quyết điều tra triệt phá các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm, đúng pháp luật những đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm phòng ngừa, răn đe và tuyên truyền rộng rãi toàn xã hội.
Hà Thúy