Nhiều sai lầm khi xử lý rắn cắn

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 14/08/2015Lần cập nhập cuối: 29/12/2020

Hiện nay, số người nhập viện vì rắn cắn gia tăng và do sai sót trong khâu xử lý ban đầu nên không ít nạn nhân mất mạng oan uổng.

Rắn độc không từ ai

Trường hợp mới nhất bị rắn cắn được Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) cứu sống là bé trai N.T.V (9 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Trong lúc trèo cây, bé V. bị rắn lục đuôi đỏ cắn bàn chân phải. Người nhà đưa đi thầy lang đắp thuốc nhưng vết thương càng sưng to, chảy máu… Khi đến BV Nhi Đồng 1, em có biểu hiện rối loạn đông máu nặng, vết thương sưng bầm chảy máu và lan rộng. Sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu, tình trạng vẫn không cải thiện, vết sưng tiếp tục lan rộng, các bác sĩ dùng liều huyết thanh kháng nọc thứ 2 thì tình trạng sức khỏe bệnh nhi mới tiến triển, vết thương bớt sưng đau, chảy máu.

Không may mắn như V., bé N.V.P (28 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) bị rắn hổ mèo cắn được BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận, tận tình cứu chữa nhưng bé đã không qua khỏi. Bệnh nhi được chuyển từ Bình Thuận vào TP HCM trong tình trạng suy hô hấp, rối loạn đông máu nặng, chân trái sưng nề, tím đen do biến chứng rắn cắn. Dù được điều trị tích cực (đặt nội khí quản, chống sốc, dùng kháng sinh, rạch giải áp cẳng chân…) bệnh nhi vẫn không qua khỏi. Trước đó, đang nằm trên võng ở vườn nhà, bé nói với người lớn là bị “con gì cắn” nhưng không ai để ý. 12 giờ sau, bé than mệt, khó thở, chân sưng bầm, được đưa đi cấp cứu thì mọi chuyện đã muộn.

Bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Tại các BV nhi đồng ở TP HCM, mỗi năm tiếp nhận trung bình 30-40 trẻ bị rắn độc cắn. Theo bác sĩ Trương Anh Mậu (BV Nhi Đồng 2), bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện ít nhất trong 12 giờ đầu. Từ 24-48 giờ sau khi bị rắn cắn, việc điều trị mang lại hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

Không chỉ trẻ con, mùa này, rắn độc cũng chẳng “né tránh” người lớn. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, gần đây, có tháng tiếp nhận hàng trăm trường hợp, trong đó phần lớn bị rắn lục đuôi đỏ cắn, số còn lại là nạn nhân của rắn hổ mèo, cặp nong, chàm quạp… TS-BS Lê Quốc Hùng, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết mùa này BV tiếp nhận người bị rắn cắn nhiều nhất. Mỗi năm, ở đây tiếp nhận trung bình từ 800-1.000 ca rắn cắn, nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 8. Thời điểm này, có tháng số bệnh nhân bị rắn cắn phải nhập viện lên đến 200-300 người. Các bệnh nhân được chuyển đến từ những tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… Riêng TP HCM, bệnh nhân chủ yếu sống ở các quận, huyện 9, 12, Hóc Môn, Củ Chi.

Những lỗi thường gặp

Theo các chuyên gia, rắn có điều kiện phát triển nhiều vào mùa mưa. Đây là thời điểm chúng giao phối, sinh sản nên rất hung dữ, tấn công bất kể ai. Có 2 nhóm rắn độc lớn: Nhóm gây đông máu (rắn lục, rắn chàm quạp, rắn sãi cổ đỏ) và nhóm gây tổn thương thần kinh (rắn hổ chúa, rắn hổ mèo, rắn hổ đất, rắn cạp nong, rắn cạp nia…). Rắn lục cũng có nhiều chủng khác nhau, trong đó có 2 chủng lớn là rắn lục xanh và rắn lục xanh đuôi đỏ. Rắn lục xanh thường cư ngụ chủ yếu ở miền Bắc, còn rắn lục đuôi đỏ thường xuất hiện từ miền Trung trở vào.

Bác sĩ Hùng cho biết tùy loại rắn mà nạn nhân có các dấu hiệu lâm sàng khác nhau. Ở nhóm rắn lục, nếu bị cắn thì vết thương sẽ có 2 dấu móc răng, bị sưng đau, xuất huyết tại chỗ, sau đó có các dấu hiệu rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi trong cơ thể (chảy máu chân răng, chảy máu cam…), xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, sốc phản vệ và dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc xử trí ban đầu khi rắn cắn còn nhiều sai lầm. Do sơ cứu không đúng cách, nhiều người nhập viện trong tình trạng rất nặng với nguy cơ bị hoại tử một phần tay, chân vì nhiễm trùng máu. Các lỗi thường gặp nhất là garo (cột dây) không đúng cách dẫn đến hoại tử các bộ phận cơ thể hoặc nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết do đến các thầy lang rạch vết rắn cắn, đắp lá… “Nhiều người bị rắn cắn cứ buộc dây thắt thật chặt ở phía trên chỗ rắn cắn để nọc độc không chạy lên nhưng lại vô tình gây hoại tử vùng đó, những trường hợp nặng phải tháo khớp” – BS Hùng nhấn mạnh.

Các chuyên gia lưu ý hiện nay các cơ sở y tế đã trang bị huyết thanh kháng nọc rắn độc đặc hiệu nên việc xử lý điều trị rắn cắn là trong tầm tay. Khi bị rắn cắn, đầu tiên phải trấn an tinh thần nạn nhân, sau đó rửa vết thương bằng nước sạch và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

 

Những điều cần làm

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Nhi Đồng 1, khuyến cáo: Trong trường hợp bị rắn cắn, cần giúp nạn nhân nằm yên, trấn an họ; đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng xà bông hoặc dung dịch thuốc sát khuẩn da; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp. Những việc nên tránh: Không nên garo phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc; không đắp thuốc bằng lá cây vì có thể gây nhiễm trùng vết thương; không được chậm trễ đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

 

Theo NGUYỄN THẠNH

Báo Người Lao động