Vì sao cơ thể chúng ta không muốn thức dậy vào buổi sáng?
Theo các nhà khoa học, mặc dù nhiều người cảm thấy giấc ngủ 8 tiếng là quá đủ nhưng cũng không ít người gặp khó khăn để thức giấc vào buổi sáng, cho dù họ có đi ngủ lúc mấy giờ đi nữa. Tại sao vậy?
Một số chuyên gia về giấc ngủ hàng đầu thế giới mới đây đã giải thích về “triệu chứng” này. Cụ thể, theo các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Oxford, Anh, thời gian làm việc của hầu hết chúng ta đều xung đột với nhịp sinh học. Điều này gây ra nhiều vấn đề rối loạn sức khoẻ, như vấn đề về thể lực, tinh thần, gây lo lắng, tăng cân và huyết áp cao.
Theo kết quả nghiên cứu, việc bắt đầu một ngày làm việc sớm có thể không tốt cho sức khoẻ của con người. Những đứa trẻ ở lứa tuổi từ 8-10 thì không nên bắt đầu buổi học trước 8h30 phút. Trong khi đó, những bạn trẻ tuổi từ 16-18 thì nên bắt đầu giờ học từ 10h sáng, hoặc thậm chí là muộn hơn.
Người lớn cũng sẽ khoẻ hơn nếu thức dậy muộn. Theo các nhà khoa học, những người từ độ tuổi 18-55 nên bắt đầu làm việc từ 10 giờ. Những người trẻ tuổi từ 14-24 thường bị thiếu ngủ nhiều nhất, và mỗi đêm thường mất khoảng 2 tiếng. Những người từ 24-30 tuổi thường mất ngủ khoảng 1,5 tiếng mỗi đêm.
Các nhà khoa học cũng cho rằng thời gian chúng ta ngồi trước máy tính, điện thoại, và các thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng của giấc ngủ chúng ta. Đó chính là lý do chúng ta nên tắt tất cả các thiết bị điện tử trước ít nhất là 1 tiếng trước giờ đi ngủ để giúp chúng ta ngủ ngon hơn, giấc ngủ khoẻ hơn. Do đó, hãy để ý đến điều này và nên thay đổi thời gian làm việc sao cho phù hợp.
Khôi Linh