Lạ lùng 5 món ăn “thời ông bà ta” bỗng thành đặc sản, nhà giàu cũng tranh mua
Tóp mỡ
Tóp mỡ là phần “xác thịt” của những khẩu mỡ khi rán lên còn thừa. Đây là món ăn quen thuộc ở Việt Nam thời kỳ bao cấp khó khăn. Tóp mỡ được ăn với nước mắm hoặc xào với dưa chua.
Ngày trước, món ăn này được xem là “cứu cánh” trong các gia đình nghèo. Vài năm trở lại đây, tóp mỡ bỗng nhiên được nâng tầm lên thành đặc sản, bày bán trong các cửa hàng thực phẩm sạch với giá đắt đỏ.
Theo khảo sát của PV Dân trí, trung bình 1kg thịt tóp mỡ được bán với giá từ 400 – 500 nghìn đồng/ kg. Ngoài món tóp mỡ thường, nhiều cửa hàng còn bán thêm các vị như: tóp mỡ rim mắm, tóp mỡ chiên tỏi bơ cho khách lựa chọn.
Vài năm trở lại đây, tóp mỡ được chào bán với giá đắt đỏ từ 400 – 500 nghìn đồng/kg.
Tóp mỡ đạt yêu cầu bên ngoài phải có màu vàng ruộm, khi ăn có vị bùi béo, cay ngọt, ăn cùng cơm nóng rất “đưa cơm”. Món ăn này được các chủ cửa hàng đóng thành các túi nhỏ, hút chân không, in bao bì đẹp mắt. Không chỉ được nhiều người dân ở các thành phố lớn ưa chuộng mà nhiều Việt Kiều có dịp về nước, cũng đặt hàng số lượng lớn mang sang nước bạn ăn dần.
Cà muối tương
Cà dầm tương ngày nay là món ăn phụ, nhưng ngày xưa là món chủ lực giúp đưa cơm trong bữa ăn của nhiều gia đình nông thôn Việt Nam. Món ăn quen thuộc này cũng xuất hiện trong bài ca dao nổi tiếng: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhờ cà dầm tương”.
Cà dầm tương trước là món ăn phụ chỉ có trong các gia đình nghèo khó ngày nay trở thành đặc sản. Ảnh: Vietnamnet
Tưởng chỉ là món ăn dân dã, đại diện cho một thời kỳ đói khổ, vài năm trở lại đây, cà muối tương bỗng trở thành đặc sản nổi tiếng, được nhiều người tìm mua với giá đắt đỏ.
Hiện nay ở làng Tam Hiệp, Phúc Thọ (Hà Nội) có khoảng 6 hộ dân gắn bó với công việc làm cà muối. Trung bình mỗi năm, một gia đình ở đây sản xuất từ 1,5-2 tấn cà, thu về hơn 100 triệu đồng. Cà muối tương ở đây được làm theo công thức riêng, gia truyền. Trong đó, nguyên liệu quan trọng nhất là cà bát và tương.
Một quả cà dầm tương có trọng lượng từ 0.5-1kg có giá khoảng 50.000 đồng/ quả. Ảnh: Facebook cà dầm tương
Cà bát trắng được chọn là loại cà bánh tẻ hái vào sáng sớm, nặng 3-6 lạng mỗi quả, không được quá chín hay quá già. Trước khi dầm tương, cà được rửa sạch, ướp với muối trong 20-25 ngày để ép hết nước. Loại cà này được cho vào dầm tương trong khoảng 3-4 tháng, cà dầm càng lâu vị càng đậm đà, càng ngon.
Trên thị trường, giá của loại cà này rất đắt, trung bình khoảng 25.000-30.000 đồng/quả. Đối với loại cà dầm tương có trọng lượng từ 0,5-1kg có giá 50.000 đồng/quả. Không chỉ mua về ăn, nhiều người còn mua về làm quà biếu, thậm chí nhiều người sống ở nước ngoài cũng thường xuyên mang thức quà quê hương sang đó để anh em, bạn bè cùng thưởng thức.
Bèo Tây
Bèo tây vốn là loại cây khá phổ biến ở nông thôn
Đối với người dân miền Bắc, xưa nay bèo tây chỉ là loài cây mọc dại, được dùng làm thức ăn cho động vật như lợn, gà, vịt hay để lọc sạch nước. Nhưng ngày nay các bà nội trợ lại săn tìm chúng như một loại rau sạch.
Thời gian gần đây, nhiều bà nội trợ ở Hà Nội thường tìm mua bèo tây về nấu canh chua hoặc xào với thịt lợn, bò…
Những cây bèo tây được các bà nội trợ chế biến thành rất nhiều món: cọng non để ăn sống, nhúng lẩu, xào tỏi như rau muống; ngó để làm nộm, gỏi, dưa chua, xào thịt; hoa cũng có thể dùng để luộc, nấu canh… Tại nhiều nhà hàng, những món ăn từ bèo tây cũng đắt tiền không kém nhiều loại rau khác, với giá từ 30-50 nghìn đồng/ một đĩa rau bèo tây xào hoặc làm nộm.
Trứng ung
Trứng gà ấp dở hay còn gọi là trứng gà ung thực chất là loại trứng đã bị hỏng phôi, không thể ấp nở thành con. Trong quá trình gà mái ấp, các gia đình thường tiến hành sàng lọc và loại bỏ những quả trứng không đạt yêu cầu. Trước đây, kinh tế khó khăn, món ăn này khá phổ biến trong các mâm cơm gia đình người Việt.
Trứng gà ấp dở được rao bán khá nhiều trên các trang mua bán trực tuyến với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/chục.
Bẵng đi một thời gian, gần đây loại trứng ung bỗng nhiên gây “sốt” trở lại và được rao bán rầm rộ trên các diễn đàn với giá từ 20-30.000 đồng/ chục.
Để “hút” khách nhiều người bán hàng còn quảng cáo, trứng gà ấp dở giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều đạm nên ăn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe thậm chí nó còn được coi như “thần dược viagra” cho phái mạnh. Không chỉ được bán lẻ, trứng ung còn được các đầu mối thu mua tại các lò ấp, bán buôn cho các quán nhậu, nhà hàng như một món ăn “đặc sản hiếm có”.
Chia sẻ với PV Dân trí, một lái buôn ở Hà Nội cho biết, bán được cả nghìn trứng mỗi tuần, hàng về đến đâu hết đến đó. Thậm chí, có thời điểm khách đông, phải xếp hàng chờ vì số lượng tại các lò ấp không đủ đáp ứng.
Rau sắn muối chua
Thời bao cấp, sắn ngô được trồng nhiều vô kể, không chỉ ở miền núi mà cả đồng bằng, ngô sắn được trồng ngoài ruộng, trong vườn, bờ ao. Kinh tế khó khăn nên những ngọn sắn non cũng được nhiều gia đình tận dụng để muối chua ăn như dưa muối.
Hiện naymột bát rau sắn muối chua có giá từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/ bát. Ảnh: Facebook
Vài năm trở lại đây, món ăn dân dã này lại được chào bán rầm rộ và khá đắt khách. Trung bình, một bát rau sắn muối chua có giá từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/ bát. Nhiều người ở các thành phố lớn thường mua loại rau này về chế biến các món ăn như: xào thịt, nấu canh xương, kho bò…
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp