Người đàn ông khắc chữ lưu niệm gần 40 năm tại Sài Gòn
Hình ảnh người đàn ông luôn ngồi khom mình cầm chiếc bút miệt mài khắc chữ lên những món quà lưu niệm đã trở nên rất thân thuộc với người dân Sài Gòn quanh khu vực này.
Có thể nói, ông Dũng chính là người gắn bó với nghề này lâu năm nhất mà mọi người từng biết đến. Ông không chỉ khắc chữ cho khách trong nước mà nhiều khách ngoại quốc đến TPHCM du lịch cũng biết tiếng mà tìm đến ông nhờ khắc chữ lên những món quà lưu niệm.
Ông Dũng cho biết, ông đến với nghề như một cái duyên. Ông vốn là sinh viên của trường ĐH Kiến Trúc (Hà Nội). Một ngày tình cờ ông đi ngang phố Hàng Gai (Hà Nội) thấy tập trung nhiều người khắc chữ, ông đứng lại say mê ngắm nhìn một ông lão nhẹ nhàng đưa bàn tay khéo léo tạo nên những nét chữ thanh thoát trên cây viết. Ông thích thú và ngỏ lời xin được học nghề.
Có năng khiếu, chỉ qua vài lần được chỉ dẫn, ông đã biết cách khắc những nét chữ đầu tiên. Nhưng khi đó trong suy nghĩ của ông chỉ là học cho vui, biết thêm tài lẻ, chứ không hề nghĩ sau này sẽ làm nghề này.
Học đến năm thứ 2, ông Dũng lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Năm 1980, sau hai năm đi lính, ông xuất ngũ. Trong một lần đi ngang đường Lê Lợi thấy nhiều người xếp hàng chờ đến lượt khắc chữ, thời điểm đó đang thất nghiệp, mà trước đó lại có học qua chút ít nên ông quyết định làm nghề và gắn bó với công việc đến bây giờ.
Những ngày đầu vào nghề, do thời gian dài không đụng tới nên để khắc một tác phẩm ông mất khá nhiều thời gian, nét vẽ còn thô cứng, tay thì chai sần, một phần là đồ nghề thời ấy khá thô sơ, phải lấy mũi khoan mài nhọn, dùng sức tì mạnh mới khắc được chữ.
Vì vậy mà sau này ông đã tự mày mò chế tạo cho mình những chiếc máy riêng bằng ống nhựa, mũi kim nha khoa, các motor chạy bằng ắc quy, để có thể khắc chữ trên mọi chất liệu như nhựa, inox, tranh cát, tranh gạo, tranh sơn mài, nanh heo, ngà voi, thạch anh… thậm chí có thể khắc lưu niệm trên cả đá, gỗ.
Nhận bất kỳ đồ vật nào từ khách, ông đều xem xét kỹ càng, từ việc hỏi mục đích tặng, chất liệu, bố cục cho đến màu sắc chủ thể, để có những cách khắc phù hợp nhất với giá trị, ý nghĩa của món quà.
Ông nói: “Nếu khắc cho những cặp yêu nhau để làm quà thì nét chữ sẽ mềm mại, bay bổng và có chút lãng mạn, nhưng đối với những món quà để các doanh nghiệp tặng đối tác thì nét chữ phải dứt khoát, rõ ràng chứ mình không thể rập khuôn như máy móc được”.
Chính vì sự tinh tế ấy mà nhiều người khi nhìn vào nét chữ của ông là thấy ưng ý ngay, thay vì đến những cửa tiệm chuyên khắc chữ với những thiết bị hiện đại thì họ lựa chọn đến với ông.
Sau công đoạn khắc chữ, để làm dòng chữ nổi bật hơn thì việc lựa chọn màu để tô lên cũng rất quan trọng, vì phải lựa chọn sao cho màu khi chà lên phải hài hòa với đồ vật.
Ông Dũng cho hay, mức giá khắc trung bình là từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng. Ngoài ra, còn tùy vào mức độ giá trị của đồ vật, chất liệu khắc, số lượng chữ nhưng đối với những mối quen thì ông vẫn lấy giá bình thường. Ông kể nhiều khi khắc cho khách, khách thấy đẹp, hợp ý còn trả thêm cho ông như thay lời cảm ơn vì đã làm cho món quà của họ thêm phần ý nghĩa.
“Khi khắc chữ, điều khó nhất là phải phối hợp giữa ngón cái, ngón trỏ của tay trái với bàn tay phải nhịp nhàng, uyển chuyển. Lúc khắc chữ, phải tập trung làm cân đối diện tích hình khối, phân tâm đi một giây là mất đẹp”, ông Dũng chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề.
Những vật lưu niệm, bức tranh hay cây bút, đồng hồ,… mà khách đem tới nhờ ông khắc có món đồ chỉ vài chục nghìn, nhưng cũng có những món đồ trị giá lên tới hàng chục triệu. Điều quan trọng là mỗi vật lưu niệm thường chỉ có một, nên đòi hỏi người thợ không được phép sai sót.
Trải qua năm tháng, nhiều kỹ thuật khắc chữ tiên tiến cùng những món đồ lưu niệm đã được in hoa văn sẵn ra đời, công việc của ông cũng ngày càng trở nên khó khăn. Khách tìm đến ông chủ yếu là khách quen, nhưng ông vẫn trung thành với nghề vì đối với ông, ngoài việc trang trải cho cuộc sống, ông còn xem công việc này như một thú vui để thỏa niềm đam mê của mình và duy trì nó đến ngày nay.
“Anh em trong nghề đều phải chuyển sang công việc khác vì mưu sinh khó khăn. Tôi vì có nhiều mối quen, cũng vì niềm đam mê nên cố gắng duy trì nên vẫn giữ được cái nghề”, ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ nhận khắc thuê ở góc nhỏ ngã tư Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ông Dũng còn thường xuyên khắc đồ lưu niệm cho các sự kiện và tổ chức ở khắp Sài Gòn.
Bên cạnh việc mưu sinh, ông Dũng còn luôn ý thức về việc giữ gìn và nâng cao tay nghề để lan tỏa giá trị văn hóa. Ông tâm niệm: “Khắc chữ không chỉ là việc kiếm tiền mà còn là tâm huyết. Từng nét chữ, hoa văn làm tôn thêm vẻ đẹp của món quà lưu niệm, thể hiện tấm lòng người tặng và cả người tạo ra nó, vì vậy tôi luôn khắc bằng cái tâm của mình”.
Lâm Oanh