Ca sĩ Minh Khánh: “Nhiều người đang lợi dụng nghi lễ hầu đồng để trục lợi”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 14/01/2019Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Nhiều nghệ sĩ thành danh và chưa thành danh sau khi tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân gian của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã nhất tâm ra hầu đồng, hát văn dâng Thánh như: Thúy Hường, NSND Lan Hương, diễn viên Thiên Bảo, danh hài Hoài Linh, Lâm Bằng (Nhà hát chèo)… Là một nghệ sĩ có căn duyên với đạo Mẫu, tín ngưỡng này có ý nghĩa ra sao trong đời sống của anh?

Cũng như các đồng nghiệp, bản thân tôi cũng ra hầu tháng được hơn 20 năm. Như chúng ta biết, lên đồng là một nghi lễ của đạo Mẫu, vì vậy lên đồng không tách rời đạo Mẫu. Lên đồng là nơi kết nối tâm linh giữa các thanh đồng và các vị thánh. Việc kết hợp các yếu tố nghệ thuật văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội khiến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu và khát vọng đời sống thường nhật của con người là cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe…

Khi nghiên cứu về đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, người ta sẽ có sự hiểu biết sâu hơn về vẻ đẹp và thiêng liêng của tín ngưỡng đó, lâu dần trở thành đức tin mang đến cho mình sự lạc quan và thăng hoa trong cuộc sống.

 

Ca sĩ Minh Khánh: “Nhiều người đang lợi dụng nghi lễ hầu đồng để trục lợi” - Ảnh 1.

Minh Khánh nói, anh có căn duyên với đạo Mẫu.

 

UNESCO đã vinh danh “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể. Theo anh, liệu tín ngưỡng này có bị biến thành một phương tiện làm ăn tốt cho các ông đồng, bà cốt không?

Đạo Mẫu là tín ngưỡng hiện sinh, hướng đến những ước vọng trong cuộc sống hiện tại, nên xã hội càng hiện đại thì đạo Mẫu càng phát triển, ngày càng nhiều có người thực hành nghi lễ cầu xin sức khỏe, tài lộc…

Phải thừa nhận rằng, ở nhiều nơi, nhiều người đang lợi dụng việc thực hành nghi lễ hầu đồng để trục lợi, đã gây nhiều điều tiếng xấu cho nghi lễ mang đậm tính văn hóa này. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa hiểu biết đầy đủ về việc thực hành nghi lễ, dẫn đến việc bị lợi dụng…

Còn những người mang danh thanh đồng nhưng lại tiếp cận được “cái gốc” của đạo Mẫu nguyên thủy, dẫn đến thực hiện lệch lạc. Bởi như chúng ta biết, tín ngưỡng thờ Mẫu hiện vẫn chưa có giáo lý chuẩn mực giống như Đạo Phật, vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có một tổ chức nào hướng dẫn, hoặc quản lý lỏng lẻo, dẫn đến việc thực hành cũng không theo một khuôn mẫu nào nên rất dễ bị lợi dụng. Rồi các nghi thức diễn xướng cũng rất tùy hứng, tự “sáng tạo” theo quan điểm cá nhân mà không theo chuẩn mực nào.

 

Ca sĩ Minh Khánh: “Nhiều người đang lợi dụng nghi lễ hầu đồng để trục lợi” - Ảnh 2.

Minh Khánh: “Phải thừa nhận rằng, ở nhiều nơi, nhiều người đang lợi dụng việc thực hành nghi lễ hầu đồng để trục lợi, đã gây nhiều điều tiếng xấu cho nghi lễ mang đậm tính văn hóa này”.

 

Có thể họ coi đó là việc phát triển tín ngưỡng, vì đạo Mẫu vốn gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc. Các vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ thì hầu hết là những nhân vật lịch sử, có công với dân tộc…

Đúng là đạo Mẫu gắn với những vật có thật trong lịch sử, được nhân dân phong thánh như Mẫu Liễu Hạnh, Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, (tứ bất tử)… Nhưng không phải nhân vật được phong thánh nên việc đưa ông vào giá văn là sai lệch, tùy hứng, đi ngược lại với nghi thức của tín ngưỡng hầu đồng.

Như vậy, để tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hành đúng nghi lễ thì chỉ có thể trông chờ vào cái tâm của các thầy đồng và thanh đồng là chính?

Đúng vậy. Trong nghi lễ hầu thánh, điều quan trọng nhất phải là đúng căn duyên, thứ 2 là có tâm và thứ 3 khi hầu hạ phải đúng lề lối của các cụ để lại. Không lai căng làm mất đi sự tôn nghiêm của đạo Mẫu, của Tứ phủ và của các giá hầu. Nếu đúng là “con nhà thánh” thì họ luôn tuân thủ chặt chẽ 3 yếu tố này trong nghi lễ hầu đồng. Còn nếu không, họ cũng coi đó là cách để kinh doanh trục lợi mà thôi.

Để đưa việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vào quy củ thì cần thay đổi nhận thức từ chính chủ thể văn hóa – các thủ nhang, thanh đồng, những người trực tiếp quản lý di sản, thực hành nghi lễ. Nếu chính những người này hướng dẫn các con nhang đệ tử thực hành nghi lễ một cách chuẩn mực, thì tình trạng lợi dụng nghi lễ trục lợi bất chính sẽ không diễn ra. Và sẽ hạn chế được đồng đua, đồng đú, đồng mê.

 

Ca sĩ Minh Khánh: “Nhiều người đang lợi dụng nghi lễ hầu đồng để trục lợi” - Ảnh 3.

Mỗi khi hành lễ tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ thường thấy anh đeo nhiều trang sức bằng ngọc. Trị giá của bộ trang sức cũng lên đến vài trăm triệu đồng?

Trong vận hành nghi lễ Tam phủ, Tứ phủ, ngoài xiêm y theo từng giá còn có trang sức kèm theo. Nghi lễ không bắt ép thanh đồng phải sắm quá tốt hay quá đẹp mà tùy theo sở thích và điều kiện kinh tế của mỗi người. Làm sao để đảm bảo sự tôn nghiêm, uy nghi và yếu tố thẩm mỹ. Trang phục của tôi không phải là hàng quá đắt tiền nhưng trang sức thì tôi rất xem trọng.

Tôi xem các nghi lễ tín ngưỡng của các cụ ngày xưa đều dùng những món đồ trang sức như tẩu hút thuốc bằng ngọc, quạt ngà, lược ngà, vòng ngọc phỉ thúy, bông tai bằng ngọc…

Không nhiều phụ kiện như bây giờ nhưng rất đúng lề lối. Bởi theo các cụ, ngọc chính là xá lợi của đất, tích tụ âm dương ngũ hành hàng triệu năm nên mang lại sự kết nối tâm linh rất tốt trong khi hành lễ. Và đặc biệt, các cụ sắm đồ trang sức và xiêm y cho giá hầu đều dựa theo lời hát văn của từng giá để tạo sự ăn nhập từ nội dung đến hình thức. Chẳng hạn, giá cô Bơ có văn: “Lược ngà rẽ mái tóc mây, nón Kinh cô đội, chân hài cô mang” thì lược chắc chắn sẽ bằng ngà. Hoặc: “Áo mớ ba hương sông toàn sắc/Lược đồi mồi nhẫn ngọc luồn tay”.

Bây giờ thì sắm tùy ý, mạnh ai nấy đeo. Có người sắm áo hầu mấy trăm triệu, rườm rà với đủ đá, cườm gắn lến. Rất xa xỉ nhưng lại diêm dúa, làm mất đi sự trang nhã của phục trang.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Hà Thanh