Điện về bản nghèo quanh năm chỉ biết dùng ánh sáng tự nhiên
Theo chân ông Võ Hoàng Phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) vượt gần 20km đường đèo núi để tìm đến hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh. Theo lãnh đạo xã Quảng Phú, đây là hai thôn mới được thành lập hồi cuối năm 2016 với phần lớn dân cư là người đồng bào dân tộc phía Bắc. Dù mới thành lập thôn, song người dân ở đây đã sống tập trung từ khoảng gần 20 năm trước, nhưng do vướng quy định của nhà nước nên mới được “khai sinh” cách đây chưa lâu.
Phần lớn dân cư sống phân tán, nhỏ lẻ nên dọc con đường dẫn từ trung tâm xã Quảng Phú vào hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh là những nếp nhà tranh nằm rải rác, men theo triền núi, thi thoảng mới có một cụm dân cư với vài chục nóc nhà. Ông Phú cho biết thêm, vì người dân sống rải rác, ít tập trung nên việc kéo điện nhiều năm vẫn chưa triển khai được, quanh năm bà con chỉ biết đến ánh sáng mặt trời, đèn dầu và điện năng lượng. Khổ nhất vẫn là các cháu học sinh vì mùa mưa thiếu ánh sáng.
Dưới cái nắng gay gắt đầu mùa khô Tây Nguyên, hàng trăm học sinh tại điểm trường tiểu học Bế Văn Đàn rất háo hức, vui mừng vì ngôi trường mình đang học được nối điện lưới quốc gia. Điểm trường này nằm tại thôn Phú Vinh đi vào hoạt động từ năm học 2015 – 2016 và hiện có gần 200 học sinh.
Mấy năm nay, việc dạy học của thầy trò tại điểm trường gặp nhiều khó khăn, bất tiện do không có điện. Vào mùa khô thì trời oi bức, có khi ròng rã nhiều tháng trời không có mưa. Mùa mưa thì những hôm trời âm u, thầy trò lại thiếu ánh sáng trong phòng học. Nhưng cái khổ nhất của việc không có điện là các thầy cô, học sinh không có nước để dùng, công trình vệ sinh gần như bỏ không.
Thầy Nguyễn Văn Tình, Hiệu phó Trường tiểu học Bế Văn Đàn cho biết, sau khi nối điện lưới quốc gia, nhà trường đang bố trí thêm bóng điện và quạt cho các phòng học, đảm bảo ánh sáng và không khí mát mẻ cho thầy và trò. Một máy bơm nước cũng đã được trang bị để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của cũng như hoạt động của nhà vệ sinh. Hiện nhà trường đang xây ký túc xá và sẽ có khoảng 50 – 70 em học sinh ở xa sẽ ở lại. Việc kéo điện sẽ thuận lợi cho các em rất nhiều, từ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Ngày điện được kéo về, nhiều hộ dân tại hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh cũng rất vui mừng. Đây là cơ hội để bà con nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần, cũng như phát triển sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.
Bà Vi Thị Đào (trú thôn Phú Vinh) cho biết gia đình vào đây định cư đã gần 20 năm. Cuộc sống trước đây thiếu thốn trăm bề, nhất là hạ tầng thiết yếu. “Khổ nhất là không có điện. Ngày trước thì dùng đèn dầu, dùng bình ác quy. Sau này kinh tế khá hơn, chúng tôi dùng điện năng lượng mặt trời, nhưng cũng chỉ đủ chiếu sáng chứ không có điện để sản xuất. Mùa cà phê toàn phải dùng dầu để chạy máy nên rất tốn kém”.
Cũng theo bà Đào, cách đây mấy năm, con đường từ trung tâm xã Quảng Phú vào đây đã được mở rộng, điểm trường, trạm y tế cũng đã được xây dựng nên bây giờ có điện lưới quốc gia, niềm vui của bà con thêm trọn vẹn. “Nghe tin thôn có điện lưới quốc gia, điện còn được kéo miễn phí về tận nhà nên bà con trong thôn phấn khởi lắm. Sáng nay mọi người tranh thủ mang hộ khẩu ra cho nhân viên điện lực làm hợp đồng mà ai cũng vui vẻ”, bà Đào rạng rỡ, nói.
Biết tin điện lưới quốc gia được kéo về cho bà con sử dụng, anh Giàng Seo Dùa (trú thôn Phú Hòa) đã mua trước một chiếc ti vi và chiếc quạt điện về nhà để thỏa ước mơ của cả gia đình. Anh Dùa tâm sự, trước đây bà còn khắc phục tình trạng chưa có điện bằng cách lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, nhưng vẫn khá đắt và chỉ đáp ứng tạm nhưng nhu cầu thiết yếu như thắp sáng.Nếu trời nắng thì tạm đủ điện để xài, còn trời mưa hoặc âm u thì thiếu, không đủ điện.
Theo ông Võ Hoàng phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, cách đây mấy năm, nhiều hộ dân cũng được chuyển đến để tái định cư khi công trình thủy điện Buôn Tua Srah (giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông) được đầu tư xây dựng. Hiện có khoảng 500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông, Thái, Tày… sinh sống. Trong lần kéo điện lưới quốc gia này, cơ bản người dân hai thôn đã được sử dụng điện, chỉ còn một số hộ do ở sâu trong nương, rẫy, sống phân tán nên chưa thể cấp điện đến.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Liên, giám đốc Điện lực Krông Nô, dự kiến đến cuối tháng 10/2018 sẽ hoàn thành việc kéo điện cho các hộ dân sinh sống tập trung. Đối với các hộ sống rải rác tại các khu vực xa hơn, ngành điện sẽ tiếp tục cân đối kinh phí và mở rộng việc lắp đặt. Trong quá trình kéo điện, nhân viên ngành điện sẽ hỗ trợ hoàn toàn miễn phí công lắp đặt cũng như hướng dẫn cụ thể cho bà con đồng bào thủ tục cấp điện.
Theo Điện lực Đắk Nông, việc kéo điện về hai thôn Phú Hòa và Phú Vinh nằm trong dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020 với số vốn đầu tư là hơn 6 tỷ đồng. Điện lực Đắk Nông hy vọng, với nỗ lực kéo điện về bản này, bà con hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh có thể yên tâm phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tâm An