Hành trình không nghỉ của nhà vô địch Cuộc đua số Mùa 3
MTA_R4F đến với chức vô địch Cuộc đua số không hề dễ dàng. Họ đã từng là những “trang giấy trắng” khi chưa từng được tiếp cận với công nghệ tự hành và đã phải trải qua không ít lần thất bại đáng nhớ khi tham dự Cuộc đua số Mùa 2. Sau đó, họ đã đứng lên, nỗ lực không ngừng nghỉ trong 2 năm để bước lên đỉnh cao. Đó là một hành trình, một chặng đường dài đáng nhớ với nhiều bài học giá trị của cả 4 thành viên Lại Tiến Đệ, Nguyễn Viết Dần, Bùi Xuân Thủy, Vũ Công Minh.
Từ “kẻ về nhì” đến quán quân Cuộc đua số Mùa 3
Trước khi trở thành Quán quân Cuộc đua số Mùa 3, MTA_R4F cũng đã từng để tuột mất ngôi vị này ở mùa thứ 2. Năm đó, với chiến thuật tốt và liên tục đảm bảo được độ ổn định của xe khi chạy, MTA_R4F được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch. Tuy nhiên, ở trận bán kết, do xe gặp sự cố nguồn điện đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của cả đội dẫn đến việc chọn nhầm chiến thuật thi đấu và phần mềm chạy nên MTA_R4F đành phải dừng chân trong sự tiếc nuối.
Nhưng MTA_R4F đã không dừng lại, quyết tâm trở lại cuộc đua. Một hành trình chinh phục mới lại bắt đầu cho mùa giải 2018-2019. Ở vòng thi trường, MTA_R4F vượt qua rất nhiều đại diện xuất sắc từ Bách Khoa Hà Nội, Học viện An ninh, ĐH Khoa học tự Nhiên – ĐHQG HN … với điểm tuyệt đối từ hội đồng giám khảo. Tại vòng Bán kết khu vực phía Bắc, họ gặp lại đối thủ đầy duyên nợ là UET Fastest của ĐH Công nghệ – ĐH QG HN (nhà vô địch Cuộc đua số Mùa 2). Lần này, MTA_R4F phải về Nhì khi chỉ kém đối thủ vài giây khi cán đích.
Vẫn với tinh thần không chịu dừng bước và quyết tâm chinh phục đỉnh cao công nghệ, MTA_R4F tự tin bước vào chung kết Cuộc đua số Mùa 3. Dù gặp một số trục trặc nhỏ nhưng chiếc xe do các thành viên của MTA_R4F lập trình liên tục chạy ổn định, vượt qua được những thách thức như leo cầu, chui hầm, băng qua tuyết, vượt chướng ngại vật, tự định vị được đường đi để về vị trí đỗ xe nhanh nhất. Sau gần 90 phút thi đấu căng thẳng, kịch tính, MTA_R4F đã vượt qua hàng loạt các đối thủ nặng ký đến từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam (ĐH Công nghệ – ĐH QGHN, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Lạc Hồng, ĐH KHTN – ĐH QG TPHCM) và 2 trường đại học quốc tế là ĐH Greenwich (Anh) và ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (Nga) để trở thành nhà vô địch Cuộc đua số Mùa 3.
Sẵn sàng cho hành trình mới từ Cuộc đua số
Để có được thành quả đó là chặng đường 2 năm nỗ lực nghiên cứu, thực hành công nghệ tự hành không ngừng nghỉ của các chàng trai áo lính. Ban ngày phải đi học nên cả đội chỉ tranh thủ được một ít thời gian vào buổi tối (theo quy định của trường không được thức xuyên đêm). Trời tối nên các thành viên phải gắn thêm đèn vào xe hoặc mỗi người đều bật đèn điện thoại lên để nhận diện đường đi. Thậm chí có những hôm trời mưa, cả đội phải cầm ô để che cho xe chạy.
Trước đêm chung kết Cuộc đua số Mùa 3, trong các vòng thi thử, xe MTA_R4F chưa từng đỗ thành công ở vị trí yêu cầu. Vì lẽ đó, các thành viên đã động viên nhau phải nỗ lực gấp bội phần. Các thành viên gần như 72h không ngủ để luyện tập tốt nhất những gì mình có. “Nhiều lúc mệt bọn em định nghỉ một chút nhưng nhìn thấy đội bạn tập nên mình cũng phải bật dậy để tập luyện để không bị bỏ lại phía sau”, Vũ Công Minh chia sẻ. Với những nỗ lực đó, MTA_R4F đã từng bước đặt chân lên được lên vị trí cao nhất của Cuộc đua số Mùa 3 và giành được giải thưởng có tổng trị giá 1,2 tỷ đồng.
Bước ra từ Cuộc đua số, các thành viên của MTA_R4F đã có được sự trưởng thành vượt bậc. Từ sân chơi này, họ đã được học hỏi, tiếp cận và thực hành những công nghệ mới nhất trên thế giới do FPT tiên phong kiến tạo tại Việt Nam. Từ những sinh viên phần lớn ngoại đạo về CNTT, đến nay họ đã không chỉ có kiến thức cơ bản về công nghệ tự hành tiêu chuẩn mà còn có thể ứng dụng để giải quyết một số bài toán về xe tự hành trên thực tế. “Năm nay đề thi khó hơn khi Ban tổ chức đưa ra bài toán tự định vị xe. Tuy nhiên, đội của em đã vượt qua được và bước lên được đỉnh cao nhất là bởi đã có một nền tảng kiến thức vững chắc đã được xây dựng và rèn luyện từ cuộc thi năm trước”, Lại Tiến Đệ, đội trưởng của MTA_R4F tự tin chia sẻ. Bên cạnh đó, họ còn được cọ sát với môi trường toàn cầu khi thi đấu với các đội thi quốc tế, và sắp tới là được thăm quan, trải nghiệm tại Mỹ – quốc gia hàng đầu về công nghệ Mỹ…
“Các bạn sinh viên chiến thắng từ của cuộc thi này chỉ là một phần, quan trọng hơn cả là chúng ta đã chiến thắng về ý chí, khát vọng để đưa Việt Nam vươn lên. Cuộc thi này đã thắp lên niềm hi vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên tiến về trí tuệ nhân tạo”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở cuộc thi, FPT còn tiếp tục đồng hành với MTA_R4F để giúp các bạn có những bước tiến hơn nữa trong việc nâng cao trình độ công nghệ của mình khi cấp học bổng cho mỗi thành viên 01 khóa học về Automotive trị giá 20 triệu đồng/người và 01 suất học bổng tiến sĩ về Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng.
Với những tri thức, kỹ năng và sự hỗ trợ cho việc phát triển hơn nữa trong tương lai từ phía FPT, cả 4 thành viên của MTA_R4F đã tự tin hơn rất nhiều và khẳng định sẵn sàng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu./.