Truyền hình thực tế có cần dùng mọi chiêu trò để câu view?
Đành rằng đó là chất liệu thực tế, yếu tố drama (kịch tính) sẽ là những gia vị mà khán giả truyền hình chờ đón, nhưng việc “nêm nếm” gia vị ra sao thì là một vấn đề cần phải suy ngẫm.
Đến thời điểm này, hai chương trình thực tế đangcthu hút trên sóng truyền hình là “the Face – Gương mặt người mẫu Việt Nam’ và “Gương mặt truyền hình”. Cả hai chương trình tìm kiếm những gương mặt tài năng cho các lĩnh vực đang được xem là “thời thượng” là người mẫu và MC.
Thế nhưng, diễn biến trên sóng lại khiến người xem không khỏi băn khoăn, phải chăng: “Cứ truyền hình thực tế là phải tạo áp lực cho thí, phải dùng lời lẽ la mắng như kiểu “thương cho roi cho vọt”, phải tranh cãi kịch liệt, không ngại đả kích nhau hay phải có nước mắt để câu view’?
Làm huấn luyện viên là phải “la mắng”
Mới đây, khi trả lời báo chí về cách đưa ra nhận định gay gắt khiến nhiều thí sinh phải “bẽ mặt” trên truyền hình, chuyên gia trang điểm Nam Trung thẳng thắn khẳng định: “Thí sinh ngu dốt thì tôi nói ngu dốt”.
Quan điểm này ngay lập tức đã đối mặt với những bình luận trái chiều. Có người cho rằng cách hành xử như vậy là chưa đúng mực của vị trí host (người điều phối, dẫn dắt chương trình). Nhưng giới chuyên môn cũng cho rằng thể hiện của Nam Trung là bình thường bởi làng thời trang đã quá quen thuộc với hình ảnh của vị chuyên gia trang điểm nổi tiếng này.
Thậm chí, không ít khán giả cho rằng chính Nam Trung là gương mặt “cứu view” cho chương trình anh tham gia, nhiều khán giả thậm chí “quen thuộc và chờ đợi” những nhận xét có phần gay gắt của anh trong các tập phát sóng. “Tôi không chọn cách vuốt ve những người trẻ bằng những mỹ từ. Tôi là người thẳng thật đến mức mất lòng”, Nam Trung từng chia sẻ.
Ở tập phát sóng mới đây của chương trình thực tế về tìm kiếm MC truyền hình, biên tập viên – MC Tấn Tài tiếp tục gây tranh cãi khi nhận xét một thí sinh là “cứng đầu”. Dù diễn biến trên sóng truyền hình đã cho thấy thí sinh này liên tục cãi lời của huấn luyện viên và kiến quyết làm theo cách riêng của mình ở thử thách giọng đọc, điều này khiến sản phẩm truyền hình của thí sinh không được cả ba huấn luyện viên là Nguyên Khang, Thảo Nhi và Tấn Tài đánh giá cao.
Nhận xét này của Tấn Tài đã nhận không ít luồng ý kiến khác nhau: có khán giả đồng tình và ủng hộ bởi lập luận của huấn luyện viên, nhưng cũng có không ít khán giả lại phản ứng vì cách dùng từ trong nhận xét của huấn luyện viên là chưa phù hợp.
Người thua phải khóc, người thắng thì phải gây tranh cãi
Mới đây, hình ảnh các thí sinh của gương mặt truyền hình chia tay đã tạo nên sự “ám ảnh” với khán giả bởi áp lực đối với thí sinh truyền hình thực tế là quá lớn. Thí sinh Phan Trung Hậu của chương trình “Gương mặt truyền hình” ngoái nhìn hai người bạn trong ngôi nhà chung ra về với ánh mắt đầy tình cảm và xót thương. Khoảnh khắc khiến nhiều người tự đặt câu hỏi: “Có cần thiết phải đặt áp lực quá lớn cho thí sinh hay không?”
Trong một chia sẻ mới đây, mẹ của Phan Trung Hậu cho biết mình đã ôm con và khóc khi xem hình ảnh này trên sóng truyền hình và cho rằng áp lực của chương trình “khủng khiếp” hơn so với suy nghĩ. Nhiều người cũng cho rằng áp lực trong các chương trình thực tế về tìm kiếm tài năng trên sóng truyền hình thật sự quá lớn, sẽ có ít nhiều những tác động đến tâm lý của người tham gia, trong khi phần lớn họ đều là những người trẻ.
Sau mỗi tập phát sóng của các show thực tế sẽ là những màn “đấu tố” qua lại giữa huấn luyện viên, giữa các thí sinh. Sau khi “bị ra về” sẽ là các tâm thư trần tình, phơi bày sự thật, thậm chí là quay lại “lên án” chương trình. Đây là những câu chuyện lặp đi lặp lại trong các show thực tế truyền hình.
Không “drama” không phải là truyền hình thực tế
Ngay khi bước vào mỗi mùa phát sóng mới, những yếu tố drama (kịch tính) sẽ là những gia vị mà khán giả truyền hình chờ đón. Đành rằng đó là chất liệu thực tế nhưng việc “nêm nếm” gia vị ra sao thì là một vấn đề cần phải suy ngẫm.
Dù bước vào đầu mùa giải, nhà sản xuất chương trình “Gương mặt truyền hình” khẳng định “không câu view bất chấp”, nhưng việc dàn dựng, phân vai trong bộ ba huấn luyện viên cũng đang khiến nhiều người hoài nghi.
Tạm kết
Truyền hình thực tế tại Việt Nam đang phát triển ồ ạt những năm gần đây và đang đi vào chiều hướng “sớm nở tối tàn”. Không ít chương trình chỉ sản xuất được đúng một mùa, có những chương trình không kiếm ra thí sinh, có những gương mặt thi “mòn mặt” ở các cuộc thi.
Đó là những vấn đề cần giải quyết để các chương trình tìm kiếm tài năng theo định dạng truyền hình thực tế có được tuổi thọ lâu dài và đúng tôn chỉ: phát hiện và chắp cánh tài năng chứ không phải đọng lại chỉ là những thông tin tiêu cực hay những phát ngôn gây sốc để tạo sự chú ý.
Băng Châu