Miệt mài “giữ lửa” cho nghề dệt thổ cẩm Jrai giữa phố
Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về ngôi nhà của chị RaLan Yứt (làng Choét Ngol, xã Chư Á, TP.Pleiku), một trong những hộ vẫn đang giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thấy chúng tôi ghé thăm, những người phụ nữ nơi đây nở nụ cười chào đón, số người còn lại vẫn miệt mài bên khung dệt.
Chia sẻ với chúng tôi về chuyện nghề của mình, chị Yứt bộc bạch: “Chẳng biết nghề này có từ khi nào, chỉ biết khi chị em mình lớn lên đã thấy mẹ hằng ngày ngồi bên khung cửi. Từ đó, mình cũng mày mò học theo từ cách se vải, dệt túi, khăn,… rồi khó hơn là chăn và quần áo truyền thống. Cứ như vậy, cho đến bây giờ khi mắt mẹ đã mờ thì chị em tôi đã thành thạo và tiếp tục nghề này”.
Khi thấy chúng tôi tò mò, chị RaLan Yưng (em gái chị Yứt) đã chia sẻ tỉ mỉ từng bộ phận của khung dệt. Dụng cụ dệt thổ cẩm gồm có nhiều bộ phận rời, là những thanh gỗ dài dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ mắc sợi vào khung ngắn hoặc khung dài.
Khi dệt, người phụ nữ phải ngồi xuống sàn nhà, lưng thẳng và hai chân duỗi thẳng đạp lên một điểm tựa cố định, có thể là viên gạch hoặc thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung. Sau khi dệt xong, những tấm vải sẽ được chuyển qua máy may, hoàn thành công đoạn cuối cùng, hoàn tất sản phẩm.
“Năm 2018, chúng tôi từng được chọn tham gia trình diễn dệt thổ cẩm tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và được trao cả bằng chứng nhận. Lúc nhận bằng tôi thấy vui và tự hào lắm, nhờ đó chúng có động lực phát triển và giữ gìn nghề này hơn”. Chị Yưng chia sẻ thêm.
Rời làng Chuét Ngol, chúng tôi đi thêm vài km nữa tìm đến nhà chị K’So Bloi (45 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi) cũng là một trong nhưng hộ dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai. Dù đã quá trưa, khi tìm đến đây chúng tôi vẫn thấy chị Bloi đang miệt mài kéo chỉ trong căn nhà nhỏ.
Mở của đón chúng tôi vào nhà, chị Bloi lại tiếp tục công việc kéo chỉ rồi bộc bạch: “Mình đang cấp tốc làm cho nhanh, để kịp giao cho khách vào cuối tuần này. Đây là hàng từ tháng 1,2 mình nhận mà chưa làm xong. Hàng khách đặt còn nhiều lắm, có những ngày mình phải làm đến 9h, 10h tối mới xong”.
Chị Bloi cho biết, chị được dạy dệt thổ cẩm từ mẹ của mình. Ngày trước khi còn trẻ, chị đi làm thêm, cuốc mướn. Nhưng sau này, thấy nghề dệt nhàn hơn, chị quyết định về nhà nối nghiệp mẹ. Khách hàng chủ yếu ở các địa phương khác như: Đức Cơ, Ia Grai, Ia O…
Chị Bloi cũng chia sẻ với chúng tôi, để dệt một tấm thổ cẩm có hoa văn đơn giản thì hết 7 ngày. Với những lại có hoa văn khó, yêu cầu người dệt phải tỉ mỉ và khéo léo hơn thì phải mất đến 10 ngày. Họa tiết trên tấm vải thì do khách may đồ chọn, có khi là cây lá, khi là con vật,… tùy theo sở thích của mỗi người.
Đây cũng là một trong những thành phần tiên quyết giá trị của một bộ đồ. Màu sắc của những tấm thổ cẩm chủ yếu là tông đen và đỏ. Những bộ đồ truyền thống này, thường được người bản địa mặc khi đi nhà thờ hay vào các dịp lễ. Giá một bộ đồ em bé có giá 600.000-800.000 ngàn đồng. Đồ người lớn có giá từ 1 triệu trở lên, còn váy thì dao động từ 800.000-1.000.000 triệu đồng.
Trao đổi với ông Trương Văn Minh- Phó Chủ Tịch UBND xã Chư Á cho biết: “Năm 2017, chúng tôi cũng đã phối hợp với nhiều ban ngành để mở 2 lớp dạy dệt thổ cẩm để lưu giữ và phát huy văn hóa của người bản địa. Hiện tại chúng tôi cũng đưa ra nhiều phương hướng để phát triển và bảo tồn nét văn hóa này. Sắp tới, chúng tôi dự kiến tổ chức thành lập hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm giúp người dân, tạo hướng đi mới cho bà con và phát triển nghề dệt thổ cẩm”.
Thùy Dung