Nữ sinh Trà Vinh đoạt giải Nhất thiết kế với tác phẩm miêu tả tinh tế Sài Gòn
Ngày 12/4, nữ sinh Võ Thị Minh Châu được trao giải Nhất cuộc thi thiết kế biểu tượng quê hương “Việt Nam nơi tôi sống” do Học viện Thiết kế và Thời trang London tại Hà Nội phối hợp cùng Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức mùa thứ 4.
Điểm ấn tượng nhất của thiết kế này là sự tỉ mỉ và tinh tế đến từng chi tiết. Tổng thể tác phẩm được ban giám khảo cuộc thi nhận xét là hài hoà và làm nổi bật những nét đặc trưng của thành phố mang tên Bác.
Minh Châu chia sẻ về tác phẩm của mình: “Sài Gòn lê la” được lấy ý tưởng từ những con đường góc phố đến những công trình nổi tiếng của một thành phố hiện đại. Em muốn thể hiện “Cả một Sài Gòn gói gọn trong một chiếc xích lô””.
Theo Minh Châu, xích lô là một trong những phương tiện quá đỗi thân thuộc của người dân Sài Thành trong những năm 50- 60 của thế kỷ trước.
Trong thế kỷ XXI tuy tần số của những phương tiện hiện đại ngày càng nhiều nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp những chiếc xích lô trên những nẻo đường thành phố. Xích lô không chỉ đơn giản là một phương tiện mà là cả hồn của Sài Gòn xưa.
Hình ảnh sạp báo cũ, những món ăn lề đường như bánh mì, bò viên, vịt lộn vịt dữa, bánh tráng trộn và cả món phở nằm trong tốp những món ngon được thế giới bình chọn… đến những công trình kiến trúc của một thành phố hiện đại Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bitexco hay Landmark 81 tòa nhà cao nhất Việt Nam…. đều được thể hiện trong tác phẩm này.
Chẳng những thể, “mặt trái” của thành phố là hình ảnh những đường dây điện chằng chịt tuy làm mất đi vẻ mỹ quan nhưng lại là nét đặc trưng của những con hẻm mang dáng dấp của kiến trúc xưa của Sài Gòn cũng được Minh Châu thể hiện.
Minh Châu thuyết trình trước ban giám khảo về tác phẩm của mình
Châu nói: “Qua tác phẩm “Sài Gòn lê la” em muốn gửi đến những người đang và sẽ hay là chưa một lần đến với Sài Gòn về nét đẹp của một thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam.
Người ta nói “Sài Gòn sa hoa đầy cám dỗ” thật sự vậy con người ta tìm đến Sài Gòn với sự cám dỗ để sinh nhai, tìm đến miền đất hứa để làm ăn sinh sống, là vùng đất hứa hẹn những ước mơ còn dang dở…
Nhưng có đi mới biết đằng sau sự sa hoa là những hoàn cảnh khó khăn họ còng lưng dậy sớm thức khuya trên chiếc xe cà tàng rong ruổi hết nẻo đường thành phố.
Và rồi chính điều này đã tạo nên một vẻ đẹp bình thường nhưng không tầm thường mà mọi người đến với vùng đất này sẽ cảm thấy một vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần hiện đại. Cũng là một lời nhắn luôn phải biết trân trọng những giá trị truyền thống bởi để có ngày hôm nay nhất thiết phải có ngày hôm qua”.
Ông Mark Bellingham, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi đánh giá cao tác phẩm của Châu và nói: “Cuộc thi sẽ tiếp tục khuyến khích các thí sinh như Châu thể hiện những ý tưởng đột phá nhằm tìm kiếm các tài năng trẻ thiết kế tương lai và chắp cánh cho đam mê của các bạn trẻ, giúp các bạn sẽ áp dụng những đam mê của mình vào các ngành nghề thiết thực có ý nghĩa để phục vụ cho cuộc sống tương lai”.
Châu chưa từng được đào tạo chuyên nghiệp về thiết kế đồ hoạ. Khả năng của em đến từ sự học hỏi “tự thân vận động”, góp nhặt kiến thức mỗi nơi một chút.
Minh Châu có ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang cho dù bản thân biết rằng mình không có điều kiện theo đuổi đam mê vì kinh tế gia đình.
Châu nhận giải thưởng cùng với các bạn top 5 cuộc thi tìm kiếm tài năng thiết kế dành cho học sinh, sinh viên cả nước mang tên “Việt Nam – Nơi tôi sống 2019”.
Châu tâm sự: “Không biết từ khi nào em lại có thể dành cả thanh xuân của mình để cố gắng hiện thực hóa ước mơ của mình. Từ bé em cứ thích vẽ những bộ đồ công chúa theo trí tưởng tượng của mình cho dù chỉ là những nét vẽ rất trẻ con.
Lên cấp 2 niềm đam mê lớn hơn một chút và em xác định sau này nhất định sẽ trở thành nhà thiết kế muốn mọi người khoác lên mình những bộ cánh thật đẹp. Lên cấp 3, em đã bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn, bây giờ không đơn giản là yêu nữa mà là phải lo xa”.
Và thế là Châu tự lên danh sách so sánh học phí các trường Đại học đến Cao đẳng có đào tạo thiết kế. Nhưng với mức học phí ngoài khả năng của mình trong khi từ trước tới khi tốt nghiệp cấp 3 em vẫn đi học nhờ những suất học bổng của trường học.
“Em vẫn nhớ cái ngày đăng ký thi THPT Quốc gia, cái cảm giác ghi nguyện vọng đối với những bạn bè khác, em không biết họ nghĩ gì chứ đối với em là một cái gì quan trọng lắm, quyết định cả tương lai của mình.
Không nói quá, cứ cầm bút lên định viết nhưng không dám viết vì biết cho dù có ghi bao nhiêu nguyện vọng cũng chỉ là con số không”, Châu bộc bạch.
Sau đó, khi Châu quyết tâm đăng ký theo nguyện vọng của mình, cả gia đình không ai đồng ý cho em học tiếp mà khuyên em nên kiếm công việc để làm.
Bản tính bướng bỉnh, Minh Châu bắt xe từ Trà Vinh lên ở với dì với mong muốn thi năng khiếu mà ở quê nghĩ rằng em đi làm chứ không nghĩ là em lên với mục đích thi đại học.
Đi thi, Minh Châu thoả ước mong được ngồi vẽ. Với em đó đã là một sự mãn nguyện. Khi nhận được giải thưởng này kèm suất học bổng toàn phần học thiết kế thời trang, Minh Châu vô cùng hạnh phúc.
“Ban đầu em không dám mơ nhưng vì đam mê em cho mình có chút tham vọng. Vì như thế em mới có hi vọng được học, được theo đuổi đam mê.
Không có thành công nào không trải qua thất vọng, em sẽ cố gắng hết mình để theo đuổi đam mê”, Châu bày tỏ.
Mai Châm