8X thế giới đang làm gì?
Singapore: Không thể thiếu “đồ chơi công nghệ cao”
Giới trẻ Singapore vốn nổi tiếng thực dụng. Họ không ngại bỏ nhiều tiền để lao vào cuộc sưu tập không ngừng nghỉ các loại “đồ chơi công nghệ cao” như điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, hay máy nghe nhạc MP3…
Singapore luôn là đất nước cập nhật những đồ chơi công nghệ cao nhanh nhất thế giới.
Đối với họ, việc đi mua sắm các thiết bị như máy nghe nhạc iPod, máy ảnh kỹ thuật số, và điện thoại di động cũng quan trọng, hoặc thậm chí quan trọng hơn cả việc mua sách vở và quần áo cho năm học mới. Nhiều người cho biết họ không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống mà không có Internet tốc độ cao và chiếc iPod mini.
Cuộc điều tra đầu năm 2005 cho thấy các loại máy nghe nhạc MP3 là thứ mà giới thanh thiếu niên mơ ước có được nhất cùng với laptop, đầu DVD di động và điện thoại di động.
Mỹ: Xăm mình và xỏ lỗ – Điếc không sợ súng!
Xăm mình, xỏ lỗ tai, lỗ mũi không phải là điều gì mới mẻ. Thế nhưng, giới trẻ Mỹ thì say sưa xăm mình và xỏ lỗ đến mức “điếc không sợ súng”.
Ở Mỹ, để được đi xăm mình ở những nơi có giấy phép đăng ký tử tế, đảm bảo an toàn cho khách hàng, chí ít bạn phải trên 18 tuổi.
Thế nên mới có chuyện các cô cậu nhà ta rủ nhau đi xăm ở những chỗ “lang băm”, hay lén lút xăm cho nhau như một hình thức tiết kiệm tiền, một nghi thức bí mật chứng tỏ tình bè bạn, giống kiểu “cắt máu ăn thề” ngày xưa ở các nước châu á, hay chỉ đơn giản “cho vui ấy mà”.
Song song với việc xăm mình, dân tuổi teen Mỹ còn đang “điên lên” với các kiểu xỏ lỗ. Ra đường sẽ thấy nhan nhản những người trẻ với ít nhất một lỗ ở tai, nhiều hơn là xâu nhiều lỗ trên 2 tai, xâu ở mũi, xâu ở môi, ở rốn… ở đâu xâu được là xâu…
Phong trào này lan ra nhiều học sinh trong một lớp, nhiều lớp trong một trường như một kiểu dịch. Cũng như xăm mình, nhiều bạn trẻ rất vô tâm, chẳng để ý đến sự an toàn của bản thân thông qua việc đi xỏ lỗ ở đại một nơi nào có dịch vụ.
Hậu quả là nhiều người đã phải nhập viện, trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn vì bị nhiễm trùng, uốn ván…
Anh: Mê làm ông chủ
Một cuộc điều tra của hãng City & Guilds đối với giới trẻ ở lứa tuổi 14-19 ở Anh đã đưa ra kết luận rằng có đến phân nửa giới trẻ xứ sương mù mơ có ngày được làm ông chủ, bà chủ.
Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng ước mơ này không chỉ vì tiền bạc. Đa số lý giải mơ ước này là chính đáng, thể hiện hoài bão, tham vọng lớn lao của tuổi trẻ, và quan trọng hơn, nó thể hiện sự thoả mãn với khả năng làm việc của mỗi người. Họ cũng không nề hà việc phải làm mười mấy tiếng một ngày để đạt được giấc mơ đó.
49% số người được hỏi cho biết trong tương lai họ sẽ tạo dựng cơ nghiệp riêng của bản thân, 11% trong số đó đã bắt đầu nghiêm túc bắt tay vào công việc, và không ít người đã tạo dựng được “1 chút gì đó” “ra tấm ra món”.
Có thể kể đến những anh chàng như Martin Halstead, sở hữu một hãng hàng không ở tuổi 18. Daniel Reilly cũng với một hãng hàng không của riêng mình ra đời từ phòng ngủ.
Hay William Berry với trang web cung cấp thông tin về chỗ ở cho sinh viên lớn nhất ở Anh và thế giới hiện nay với 22.000 chỗ trọ và hơn 200.000 lượt truy cập một tháng vào địa chỉ: www.accommdationforstudents.com…
Nhật: Nổi loạn với các trào lưu thời trang
Giới trẻ Nhật vốn nổi tiếng là những kẻ nổi loạn số 1 thế giới với rất nhiều tai tiếng, hệ lụy từ cuộc sống hiện đại thừa mứa vật chất.
Họ cũng nổi tiếng là những người đi đầu trong việc tạo ra các trào lưu ăn mặc “kỳ quặc”, có ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào ăn mặc của các nước láng giềng châu á. Có lẽ, không ở đâu, xu hướng thời trang lại thay đổi chóng mặt như ở đất nước hoa anh đào.
Thay vì cố gắng để có được vẻ hoang dã, mốt của thời kỳ bùng nổ trào lưu kogyaru bắt đầu từ những năm 1990 đến đỉnh cao ganguro năm 1999 với những cô gái có nước da “sôcôla”, để tóc theo phong cách hoang dã nhất có thể, trang điểm đậm như thợ nề trát vữa, váy đồng phục họ mặc thì ngắn nhất có thể và tất thì rất mỏng và loè loẹt.
Đầu năm nay, các cô gái Nhật bắt đầu tìm kiếm sự gọn gàng, ngoan ngoãn, hiền thục trong những bộ thời trang theo phong cách đồng phục.
Những đôi tất màu mè ra đi, nhường chỗ cho những đôi tất xanh lính thủy; những chiếc áo sơ mi xanh nhạt được ưa chuộng vì nó hợp tông với chiếc áo khoác xanh lính thủy. Tất cả đều rất nhũn nhặn và ngoan hiền.
Trào lưu này mạnh đến nỗi nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Benetton hay Betty’s Blue đã phải tung ra các bộ sưu tập thời trang đồng phục để đáp ứng nhu cầu của các thượng đế hay thay đổi.
Thế rồi, chẳng bao lâu sau, các cô nàng ưa làm đỏm Nhật Bản lại “điên lên” vì một loại mốt mới. Khác một chút với trào lưu “ngoan hiền”, một phong cách hết sức “màu mè” có tên “Decorer”. Trào lưu này trước đây được một nhân vật khá nổi của Nhật là Tomoe Shinohara sáng tạo, sau một thời gian chìm nghiêm, giờ nó lại được các cô gái Nhật Bản lăng xê.
Sở dĩ trào lưu ăn mặc này có tên là Decorer là có 2 lý do. Thứ nhất, các cô chủ của chúng trang trí đủ thứ có thể lên các bộ trang phục của mình sao cho bắt mắt nhất, nổi bật nhất, diêm dúa nhất. Thứ hai, người Nhật, đặc biệt là giới trẻ, có thói quen thêm hậu tố “er” chỉ người của tiếng Anh vào bất cứ từ nào để biến chúng thành danh từ chỉ người của từ đó. Chẳng hạn, người mặc các loại quần áo trang trí cầu kì thì được gọi là decorer (người trang trí – xuất phát từ động từ decorate của tiếng Anh).
Ban đầu, các cô gái chỉ thêm một vài chi tiết/ họa tiết nhỏ vào bộ trang phục của mình, hay đeo một/một vài trang sức, phụ kiện nho nhỏ để cho mình đỡ “bình thường”, cho vui mắt. Càng về sau, tần suất của các loại phụ kiện càng nhiều, màu sắc của trang phục càng sặc sỡ, phức tạp, nhí nhảnh… phụ thuộc vào tính cách của chủ nhân chúng. Và như bạn thấy trong các bức ảnh đi kèm, có lẽ các cô gái Nhật đã thực sự trở thành những “nhà trang trí” chính hiệu.
Hàn Quốc: “Những kẻ hoài cổ”, “xinh giai” và “yêu hợp đồng”
Không thực sự nổi loạn như người láng giềng Nhật Bản, giới trẻ Hàn lẳng lặng hơn chút ít với những trào lưu ngầm đôi lúc bật lên thành những con sóng đủ làm dân tình thế giới choáng váng.
Trong khi đa số giới trẻ đang mê mẩn, cuồng si với những âm nhạc điện tử, những hip hop, dance, rap… thì một bộ phận người trẻ Hàn Quốc lại… lọ mọ quay về với những chiếc đĩa than cổ, với những Beatles, Bob Dylan, hay Elvis Presley…
Không rộ lên như năm 2004, khi rất nhiều bạn trẻ Hàn Quốc tìm về với những giá trị xưa cũ, những đĩa nhạc cũ, những món đồ chơi con trẻ, những cuốn sách rất “xưa”, nhưng vẫn còn đó một bộ phận người trẻ vẫn hết lòng với những thứ xa xưa, như một chỗ náu khi họ đã quá mệt mỏi với những giai điệu cuồng nhiệt, nóng bỏng của những âm thanh điện tử vô hồn, với những tiếng bùm chéo bạo lực từ những chiếc máy chơi điện tử ở các khu buôn bán, với những guồng quay hối hả không ngừng ở ngoài đường…
Các trào lưu, xu hướng cứ tiếp nối không ngừng khi Hàn Quốc nổi lên là một nước châu Á đi đầu về xu hướng “metrosexual” với những chàng trai ưa làm đẹp. Đàn ông 100% nhưng họ cũng mê đi spa, mỹ viện, cũng bôi kem, chăm sóc da mặt, gội đầu, dưỡng tóc… như ai.
Rồi khi người ta vừa kịp “hoàn hồn” thì lại thấy dân tình Hàn Quốc xôn xao với các vụ datemating – yêu hợp đồng. Datemating chỉ đơn thuần là 2 người khác giới cùng nhau đi xem phim, đi dạo, hoặc chụp ảnh cùng nhau, hoặc nếu quý mến nhau hơn nữa, họ có thể cầm tay, hoặc quá lắm là hôn, tối kỵ quan hệ tình dục.
Với nó, bạn sẽ vẫn được “tận hưởng” những niềm vui khi bạn có một “mối quan hệ” với một người khác giới trong khi vẫn có cuộc sống của riêng mình, không phải thay đổi vì bất cứ ai khác, một điều có thể coi là “gánh nặng” của bất cứ một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc nào. Datemating đảm bảo sự tự do của những người chọn cuộc sống độc thân nhưng vẫn muốn được ở bên cạnh ai đó mỗi khi họ nhìn thấy dân tình khoác tay nhau tình tứ ngoài đường.
Vì sự tiện lợi của nó mà hiện nay, số lượng người trẻ Hàn Quốc lên mạng tìm datemate ngày càng nhiều. Trên trang web http://café.da…, mỗi ngày có khoảng 100 thành viên gửi các bản giới thiệu, thông tin liên lạc và ảnh của họ cho những thành viên khác.
Trung Quốc: “Ăn Super Girl, ngủ Super Girl”
Trào lưu này bắt đầu từ việc Đài Truyền hình Hồ Nam tổ chức các cuộc thi hát trên truyền hình, dành cho các cô gái, những người tham gia thường từ 15 – 22 tuổi. Mỗi người tham gia thi phải trải qua nhiều vòng thi và… hát chay trong 30 giây rồi được thông báo kết quả ngay lập tức.
Mỗi cuộc thi như thế này đều được truyền hình trực tiếp và kéo dài cả tháng, vì thế, lần đầu tiên tại Trung Quốc, thần tượng của giới trẻ không phải là các ngôi sao màn bạc mà là những cô gái bình thường. Với khẩu hiệu “muốn hát, cứ việc hát” đã thu hút hàng triệu cô gái, và tất cả các thành phần xã hội quan tâm.
Năm 2005, Lý Vũ Xuân, 21 tuổi giành giải nhất và tiếng tăm của cô, thậm chí chẳng kém gì Lưu Đức Hoa hay Châu Kiệt Luân.
Với Super Girl, trào lưu ca hát trong giới trẻ đã được dấy lên, dịch vụ karaoke mọc lên như nấm. Có thể nói Trung Quốc đang “ăn Super Girl, ngủ Super Girl”.
Theo Ngọc Thủy, Nguyễn MâyTiền Phong