40 năm ‘cướp thức ăn’ của Hà Bá trên sông Sài Gòn
Lão mặc kệ sự đời, mặc kệ dòng chảy ồn ào nhốn nháo của phố thị, âm thầm cứu vớt hàng trăm người nhảy cầu tự tử và hàng chục trường hợp gặp tai nạn dưới sông. Lão là Nguyễn Văn Chúc, người “cướp thức ăn” của Hà Bá gần 40 năm trên sông Sài Gòn.
Cứu mạng người giữa dòng nước xiết
Chiếc ghe nhỏ bé chấp chênh neo đậu dưới chân cầu Bình Lợi. Ngót 40 năm, nơi đây là chốn nương náu của một gia đình gồm vợ chồng và 5 đứa con. Cá tôm bây giờ ít lắm, nhưng quen sông nước rồi, giờ lão không thể làm việc gì khác ngoài quăng chài. Mình trần trùng trục dưới cái nắng khét da, lão cười khềnh khệch để lộ hàm răng ố vàng vì khói thuốc.
Có người ghé thăm, lão mới mặc áo, còn không thì suốt ngày lão căng mình ngạo nghễ giữa trời như thách thức nắng mưa. Tài sản 60 năm cuộc đời của lão chỉ có ba bộ áo quần gọi là chỉn chu, dành cho những lúc lên bờ. Lão chẳng thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần vớt được người tự tử, vì muôn vàn lý do mà họ gieo mình xuống dòng sông để kết liễu cuộc đời. Cứ mỗi lần như vậy, lòng lão quặn thắt vì nhân tình thế thái.
Lão nhớ như in lần đầu tiên cứu người gần 40 năm về trước, để rồi sau này nó vận vào lão như cái nghiệp, muốn bỏ không được. Buổi chiều chạng vạng ngày đó, lão đang thả lưới ở chân cầu Bình Lợi thì nghe thấy một tiếng “ùm” rất lớn từ phía cầu Bình Triệu, nhìn theo chỉ thấy cột nước trắng xóa bốc lên, ở trên bờ nghe nhiều người hô: “Có người nhảy cầu tự tử”. Lão liền cho ghe chạy lại nơi đó, nhằm chỗ bọt nước chưa tan hết, lão lao theo và túm được tóc người phụ nữ. Lão vật lộn một lúc với dòng nước xoáy, ở trên thuyền vợ lão tung dây ứng cứu.
Lôi được người lên thuyền, hai vợ chồng lập tức sơ cứu, xoa dầu cho nạn nhân, sau đó đưa vào bờ. Khi tỉnh lại, người đàn bà ầng ậng nước mắt. Bà khóc độ 10 phút không dừng, rồi nói trong tiếng nghẹn, nhà bà ở quận Gò Vấp, điều kiện gia đình không thiếu thứ gì nhưng chồng ngoại tình, bỏ mặc vợ con. Bà khuyên ngăn không được nên quẫn trí tìm đến cái chết, mong giải thoát cuộc sống ức chế, phẫn uất bấy lâu nay.
Lão Chúc phơi mình trong nắng kiếm cá
Hiểu được nỗi lòng của người đàn bà bất hạnh, hai vợ chồng lão lựa lời khuyên nhủ: “Như vợ chồng tôi đây này, đến một mái nhà còn không có, mà lúc nào cũng sống lạc quan, lúc nào cũng khao khát sống và cầu trời cho khỏe mạnh để được sống bên con cái, người thân. Tại sao chị lại nghĩ nông cạn quá vậy? Chồng chị rồi sẽ nghĩ lại và quay trở về, còn chị gieo mình xuống đây nếu chúng tôi không cứu được thì sẽ vĩnh viễn không được gặp người thân nữa”. Khuyên nhủ hết lời, động viên tích cực, cuối cùng bà ấy mới chịu, quệt nước mắt về nhà.
Sau đó vài tháng, lão tiếp tục cứu sống một cô gái 25 tuổi nhảy cầu tự tử. Lúc đó là vào buổi tối, ở trong thuyền vừa nghe thấy tiếng hô có người nhảy cầu, lão cho xuồng nổ máy rẽ sóng trong vòng 2 phút thì tiếp cận được cô gái đang chuẩn bị chìm. Buộc sẵn sợi dây thừng trên người, lão lao theo túm được cổ áo cô gái. Cô gái do uống nhiều nước đã kiệt sức ngất lịm.
Đưa lên bờ hô hấp, bà Hinh (vợ lão) giật mình vì cô gái này đang mang thai khoảng tháng thứ 6. Lão chạy vào trong thuyền vơ được bộ quần áo của vợ mặc cho cô gái rồi xoa dầu, làm nước gừng cho uống. 15 phút sau, cô gái mở mắt ra nhìn trân trối lên trời và khóc. Cô trách vợ chồng lão cứu mình làm gì. Vì cô không thể sống được nữa, cô đang muốn chết.
Lão hết lời khuyên can: “Nếu cô không nghĩ đến bản thân mình thì hãy nghĩ tới đứa con trong bụng vì nó không có tội”. Cô ấy kể, cha mẹ đã mất từ lâu, chồng cô là người nước ngoài và họ đã có với nhau một người con chung được 3 tuổi. Người chồng đi làm ăn xa nhà quanh năm thường xuyên gửi tiền về cho hai mẹ con và hứa sẽ đón hai mẹ con cô qua đó ở. Nhưng rồi ở nhà cô đã không giữ được mình để mang thai với người khác, giờ cô rất đau khổ, không biết phải ăn nói như thế nào với chồng. Cô tìm đến cái chết để giải thoát cho mình và mang theo đứa con của tội lỗi.
Đó là những trường hợp trời không bắt chết nên họ phải sống để trả nợ đời. Còn những phận người xấu số mỗi lần lão vớt lên bờ là ám ảnh tràn về với lão cả trong giấc ngủ. Lão bảo: “Mình không sợ nhưng mình thấy đau nhói trong lòng”. Ám ảnh nhất là xác hai mẹ con vẫn còn quấn chặt vào nhau trong sợi dây thừng.
Cầu Bình Lợi là nơi chứng kiến nhiều cuộc giải cứu ngoạn mục của lão Chúc
Không hiểu vì nguyên do gì mà người mẹ trước khi chết đã đưa con cùng đi. Hình ảnh hai cái xác ôm nhau như vết dao cứa vào lòng lão. Lão cho biết, những năm về trước số lượng người tìm đến cầu tự tử nhiều lắm. Có tháng xảy ra 5 -7 vụ nhảy sông. Trong số đó, người may mắn được lão phát hiện kịp thời thì cứu sống, còn những người chậm trong tích tắc đã không còn cơ hội sống nữa. Người già có, trẻ có, nam thanh nữ tú đều có cả.
Mong giấc ngủ bình yên
Trong số những người được lão cứu sống, có lẽ trường hợp của anh Trần Đình Đức là đặc biệt nhất. Anh Đức là công nhân thi công cầu Bình Lợi. Trong một lần đang sửa chữa, chẳng may anh và một người bạn cùng làm trượt chân ngã xuống nước. Hôm đó, may mà lão chưa đi thả lưới ở xa, vừa nghe tiếng kêu cứu, từ trong thuyền lão phi xuống nước bơi thật nhanh ra chỗ nạn nhân.
Đến giữa dòng, nước xiết cuốn lão ra xa một đoạn. Lão vùng vẫy, lấy hết sức lực vươn mình quay trở lại điểm nạn nhân gặp nạn. Lão lặn ngụp kéo được anh Đức lên bờ, sau đó quay lại cứu tiếp người còn lại thì đã không kịp. Anh công nhân bị dòng xoáy nhấn chìm, cuốn trôi. Sau lần đó, anh Đức quỳ phục xuống nhận vợ chồng lão làm cha mẹ nuôi. Về quê lập gia đình, anh Đức vẫn thường xuyên hỏi thăm cha mẹ nuôi và đã đưa cả gia đình vào cảm tạ vợ chồng lão.
Đó là chuyện cứu người, còn chuyện vớt xác, lão kể bằng giọng trầm buồn tiếc nuối. Có những trường hợp lão đến chậm, nạn nhân bị nước cuốn trôi. Những ngày sau lão bỏ ăn, bỏ làm lặng lẽ đi tìm bằng được cái xác. Đêm, lão khua mái chèo lên tận sông Đồng Nai, đi dọc hai bờ tìm kiếm. Hết đêm, sáng hôm sau lão vòng xuống dưới hạ lưu, tạt vào các nhánh kênh xem xác có trôi dạt vào bụi cây, lùm cỏ hay không. Lão nhẩm đoán chỉ độ 3-5 ngày là xác nổi lên, lão phải vớt cho bằng được mới an lòng. Vớt xác đưa vào bờ, lão báo chính quyền rồi dò tìm thân nhân của họ.
Trên chiếc ghe rách nát của lão đã chứng kiến tất cả những cung bậc cảm xúc. Người nằm trên đó có thể còn sống, nhưng có khi cũng là cái xác trương phềnh. Niềm vui, nước mắt và sự tuyệt vọng hỗn độn vào nhau. Còn lão chỉ mong mỗi ngày trôi qua là một ngày bình yên, đêm xuống được ngủ một giấc trọn vẹn. Ấy vậy mà chiều 30 Tết năm ngoái, khi vợ lão và đàn con cháu đang xúm xít nấu bánh chưng, chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm rôm rả, sum vầy thì nghe trên cầu Bình Lợi tiếng hét thật to, liền sau đó là tiếng ùm một cái dưới nước.
Phản xạ rất nhanh, lão nhảy xuống ghe vơ lấy mái chèo lao ra điểm có người nhảy. Ánh đèn lấp lánh trên thành cầu phả xuống, lão thấy rõ tiếng quẫy đạp vùng vẫy của nạn nhân. Khi chỉ còn cách 5 mét nữa, lão buông mái chèo rướn thân mình phi như rái cá túm lấy chỏm tóc của cô gái đang chuẩn bị chìm. Lão giữ cô bé ngoái tìm chiếc ghe thì nó đã trôi xa vài chục mét.
Cô gái hoảng loạn ôm chặt lấy lão, khiến lão ngộp thở không bơi được. Lão phải đánh một cái thật mạnh vào tay mới dứt được cô gái ra để kéo vào bờ. Cả gia đình nhà lão đã quá quen với việc cứu người, đã chuẩn bị sẵn tất cả những thứ cần thiết để sơ cứu nạn nhân đuối nước. Cô gái tỉnh lại, vẫn chưa hết hoảng loạn, cứ dáo dác nhìn lão. Rồi òa khóc nói rằng không muốn sống vì cha mẹ lúc nào cũng cãi nhau.
Lão Chúc đi quăng chài, vợ ở trên thuyền chăm lo các con
Trận cãi nhau mới nhất là ngày 30 Tết, mẹ cô phải chạy về nhà ngoại, cha thì đập phá hết đồ đạc trong nhà. Không chịu nổi cảnh nhà cửa tan nát, cô đã tìm đến cái chết. Nhận được tin báo con gái nhảy sông tự vẫn, cha mẹ cô bé hộc tốc chạy đến, mặt tái xanh tái ngắt. Nhìn thấy con gái đang được ủ ấm trong chiếc chăn của người chài lưới, cả hai lao đến ôm con khóc nức nở. Khi mọi người ra về hết, cả nhà sực nhớ ra nồi bánh chưng thì đã tắt lửa nguội tanh từ bao giờ.
Hàng trăm người được lão cứu sống, có người mang ơn hay hỏi thăm, tặng quà những dịp Tết, lễ nhưng có người biền biệt luôn. Lão không phân tâm vì điều đó, bởi lão làm việc này là tự nguyện, xuất phát từ lương tâm. Lão chỉ cầu mong sông Sài Gòn mãi bình yên để lão được thỏa thuê đánh cá nuôi vợ và đàn con.
Theo Ngọc Thiện
Công an Nhân dân