Những nam thần Hoa Ngữ là tượng đài nhan sắc của thế hệ 8x – 9x
Tiêu chuẩn về cái đẹp thường biến đổi không ngừng theo từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau. “Nhan sắc” của các nam thần màn ảnh Hoa Ngữ qua các giai đoạn khác nhau lại hút hồn khán giả theo những cách riêng.
“Mọt” phim Hoa Ngữ có lẽ chưa bao giờ phải thất vọng về tiêu chuẩn thẩm mỹ khi lựa chọn nam diễn viên của các nhà sản xuất. Bởi cho dù là thế hệ diễn viên thuộc hàng “gạo cội” như Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa, Trương Vệ Kiện, Cổ Thiên Lạc hay lứa “tiểu sinh” chân ướt chân ráo như Lộc Hàm, Dương Dương, Ngô Diệc Phàm thì tất thảy đều điển trai đến nao lòng.
1. Thế hệ nam diễn viên 5x – những tâm hồn nghệ sĩ bay bổng
Nhắc đến lứa diễn viên nam thuộc thế hệ 5x, không thể không kể đến những cái tên quen thuộc như Châu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh hay Hà Gia Kính. Tuy hiện tại, đa phần các nghệ sĩ ấy đều đã xa rời giới giải trí hay lui về hậu trường làm nhà sản xuất, nhưng những đóng góp và cống hiến trong thời gian còn hoạt động nghệ thuật của họ là chẳng thể phủ nhận được.
Nam tài tử Hồng Kông Châu Nhuận Phát sinh năm 1955. Ông được khán giả biết đến đông đảo qua các tác phẩm tiêu biểu như “Bến Thượng Hải” (1980), “Bản Sắc Anh Hùng”, “Thần Bài”, “Hoàng Kim Giáp”. Ông cũng là một trong số ít các diễn viên màn bạc sở hữu số lượng các giải thưởng và đề cử nhiều nhất
“Ca ca” Trương Quốc Vinh (1956) vẫn luôn là một huyền thoại của màn ảnh rộng Hoa Ngữ. Mỗi vai diễn của nam tài tử trong các tác phẩm điện ảnh như “Bá Vương Biệt Cơ”, “A Phi Chính Truyện”, “Thiện Nữ U Hồn” hay “Happy Together”, “Kim Chi Ngọc Diệp” đều xuất sắc như thể nó đã hòa vào tâm hồn ông
“Đường Tăng” điển trai nhất lịch sử màn ảnh – Từ Thiếu Hoa (1958) – là một gương mặt hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam và Trung Quốc thông qua bộ phim “Tây Du Ký”. Đường Tăng đẹp tựa mỹ nam như vậy bảo sao hết nữ yêu quái này đến nữ yêu quái khác phải lòng sư phụ Tôn Ngộ Không!
Ngôi sao Hồng Kông Miêu Kiều Vĩ (1958) thành danh với nhiều tác phẩm như “Anh Hùng Xuất Thiếu Lâm”, “Huyền Võ Môn”, “Sở Lưu Hương”. Ông từng là một trong Ngũ Hổ Tướng của TVB cùng Lưu Đức Hoa, Thang Trấn Nghiệp, Huỳnh Nhật Hoa và Lương Triều Vỹ
Nhân vật Triển Chiêu do nam tài tử Hà Gia Kính (1959) đảm nhận thực sự đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của rất nhiều khán giả. Tuy giờ đã bước sang lứa tuổi U60 và không còn giữ được thân hình chuẩn như năm nào, nhưng Hà Gia Kính vẫn luôn toát lên vẻ phong trần, hào hoa vô cùng đáng ngưỡng mộ
2. Thế hệ nam diễn viên 6x – những trái tim nghệ thuật cháy bỏng
Tiếp bước bậc đàn anh, thế hệ nam diễn viên 6x của làng giải trí Hoa Ngữ cũng quy tụ toàn những gương mặt có thần thái và nhan sắc không thể chê vào đâu được. Chỉ một ánh mắt, nụ cười, cái liếc mắt, họ cũng đủ khiến nhiều thế hệ người hâm mộ “chao đảo” mãi không thôi. Điều thú vị là hầu hết các diễn viên thuộc thế hệ này đều rất tích cực trong việc hoạt động nghệ thuật. Đến tận bây giờ, sau hàng chục năm, họ vẫn miệt mài cống hiến cho khán giả bằng những vai diễn mang đậm dấu ấn của bản thân.
Sự thay đổi theo thời gian của Lưu Đức Hoa (1961) là một minh chứng cho quy luật “gừng càng già càng cay, trai càng lớn càng đẹp”. Thần thái và ánh mắt thâm tình của Lưu Đức Hoa sau ngần ấy năm vẫn không hề đổi thay, từ “Thiên Long Bát Bộ”, “Thiên Nhược Hữu Tình” hay “Bản Sắc Anh Hùng” cho đến “Thần Bài”, “Vương Bài Đối Vương Bài”
“Vua hài” Châu Tinh Trì (1962) thời trẻ cũng sở hữu gương mặt của một lãng tử tài hoa, phong trần. Tạm quên đi những vai diễn “lầy lội” của Tinh Gia như “Tuyệt Đỉnh Kung Fu”, “Mối Tình Ngoại Truyện” hay “Trường Học Uy Long”, “Tinh Võ Môn” thì nam tài tử vẫn là người sở hữu nét đẹp lạ và độc trong giới giải trí
“Ảnh đế” Lương Triều Vỹ (1962) là một trong những tài tử sở hữu nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế nhất của Hoa Ngữ. Sự nghiệp thăng hoa, Lương Triều Vỹ nổi tiếng với đôi mắt buồn như biết nói, khả năng diễn xuất của ông biến hóa đa dạng với nhiều tác phẩm như “Tâm Trạng Khi Yêu”, “Sắc Giới”, “Xuân Quang Xạ Tiết” hay “Vô Gian Đạo”
Nếu yêu thích nhân vật Đới Xuân Dần trong “Như Ý Cát Tường” và Vi Tiểu Bảo của “Lộc Đỉnh Ký” thì bạn chắc chắn không thể nào quên được nam tài tử TVB Trương Vệ Kiện (1965). Dù giờ đây, anh không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhan sắc và danh tiếng, nhưng Trương Vệ Kiện mãi là nam thần vạn người mê trong lòng khán giả
“Tứ đại Thiên Vương” Quách Phú Thành (1965) từng được mệnh danh là một trong những gương mặt đẹp nhất của Hoa Ngữ. Quách Phú Thành nổi tiếng bởi diễn xuất ấn tượng trong nhiều tác phẩm chất lượng cao như “Đạp Huyết Tầm Mai”, “Chiến Tranh Lạnh”, “Đại Náo Thiên Cung”
Nam diễn viên Đài Loan Tiêu Ân Tuấn (1967) được nhiều khán giả biết đến với biệt danh “nam thần cổ trang” qua các bộ phim như “Bao Thanh Thiên”, “Tiểu Lý Phi Đao”, “Bích Huyết Kiếm” hay “Bảo Liên Đăng”. Dù đóng vai chính diện hay phản diện thì tạo hình cổ trang của Tiêu Ân Tuấn vẫn đẹp trai trên mức cho phép, khiến người xem muốn ghét cũng khó!
“Bát gia” Trịnh Gia Dĩnh (1969) của “Bộ Bộ Kinh Tâm” cũng từng là một cái tên đình đám của làng giải trí Hoa Ngữ. Nam tài tử đào hoa bậc nhất TVB nổi tiếng với khả năng nhập vai hoàn hảo. Số lượng các tác phẩm của Trịnh Gia Dĩnh không quá đồ sộ nhưng tất cả các tác phẩm đều tạo được ấn tượng sâu đậm cho khán giả như “Bộ Bộ Kinh Tâm”, “Tòa Án Lương Tâm” hay “Bằng Chứng Thép”
3. Thế hệ nam diễn viên 7x – những dấu ấn vang bóng
Thế hệ diễn viên 7x dần trở nên toàn năng hơn khi không chỉ tham gia lĩnh vực phim ảnh mà còn lấn sân các hoạt động khác như ca nhạc, MC, sản xuất, đạo diễn và kinh doanh. Theo thời gian, vẻ đẹp và khí chất của họ trở nên hoàn thiện và cá tính hóa hơn. Có những nam diễn viên mang đến cảm giác ấm áp, ôn nhu, lãnh đạm; lại có những diễn viên gợi vẻ đa tình, phong lãng, đào hoa khó cưỡng.
“Dương Quá” Cổ Thiên Lạc (1970) tất nhiên phải đứng đầu trong danh sách này. Dù sau này có hàng chục bộ phim cải biên từ “Thần Điêu Đại Hiệp” nhưng sẽ chẳng ai vượt qua được cái bóng của Cổ Thiên Lạc. Anh đã khắc họa một tượng đài nhân vật Dương Quá quá xuất sắc
Ngô Kỳ Long là bạn đồng niên của Cổ Thiên Lạc. Cũng sinh năm 1970, nam tài tử có trong tay cả sự nghiệp lẫn tình yêu với một cuộc sống hôn nhân viên mãn với người đẹp Lưu Thi Thi. Các tác phẩm đại diện của “Tứ gia” Ngô Kỳ Long phải kể đến “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài”, “Bộ Bộ Kinh Tâm” và “Liêu Trai Kỳ Nữ”
“Ông chồng quốc dân” Trương Trí Lâm (1971) cũng từng là một nam thần khiến nhiều chị em say mê không lối thoát. Đẹp trai, chung tình, tốt bụng lại hài hước, không có lý do có thể khiến chúng ta bớt yêu thương Trương Trí Lâm. Anh thành danh nhờ vào các bộ phim như “Bao La Vùng Trời”, “Ván Bài Gia Nghiệp” hay “Sự Thật Của Bóng Tối”
Không nhắc đến nam tài tử mang dòng máu lai Trung – Nhật Kim Thành Vũ (1973) thì thật là một thiếu sót. Theo thời gian, nét đẹp của Kim Thành Vũ ngày càng hoàn thiện hơn và đã đến độ “chín” của cả tuổi nghề lẫn tuổi đời. “Chú” Kim Thành Vũ mê hoặc người xem qua loạt tác phẩm như “Thái Bình Luân”, “Thập Diện Mai Phục”, “Bất Dạ Thành”
Tuy không sở hữu gương mặt sắc sảo hay nổi bật nhưng vẻ dung dị, gần gũi, thư sinh của Tô Hữu Bằng (1973) vẫn giúp anh dễ dàng chiếm trọn cảm tình của người hâm mộ. Bạn thân của Triệu Vy nổi tiếng qua các bộ phim như “Hoàn Châu Cách Cách”, “Tân Dòng Sông Ly Biệt” hay “Mênh Mông Biển Tình”. Gần đây, anh chuyển sang lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh, tác phẩm tiêu biểu như “Tai Trái” và “Phía Sau Nghi Can X”
“Người đàn ông không tuổi” Lâm Chí Dĩnh (1974) đi đầu cho xu thế “lão hóa ngược” của làng giải trí Hoa Ngữ. Sau ngần ấy năm, Lâm Chí Dĩnh – giờ đã là ông bố ba con – nhưng vẫn sở hữu gương mặt trẻ trung cùng làn da căng mịn đáng ngưỡng mộ. Dường như kể từ sau “Thiên Long Bát Bộ” và “Sợi Dây Chuyền Định Mệnh”, độ nổi tiếng của Lâm Chí Dĩnh chưa bao giờ hạ nhiệt
Ngôi sao điện ảnh Ngô Ngạn Tổ (1974) không chỉ thành danh ở trong nước mà còn nổi tiếng ở thị trường Hollywood. Chàng lãng tử bậc nhất Hồng Kông tự hào khi “bỏ túi” tới hàng chục các tác phẩm điện ảnh lớn như “Câu Chuyện Cảnh Sát”, “Thái Cực Quyền”, “Dạ Yến”, Warcraft”…
Nam thần ngôn tình chuyển thể Chung Hán Lương (1974) cũng thuộc thế hệ vàng của làng điện ảnh Hoa Ngữ. Suốt nhiều năm qua, anh tích cực tham gia rất nhiều các dự án phim lớn nhưng dường như Tiểu Wa chỉ có duyên với dòng phim chuyển thể. Tác phẩm tiêu biểu của anh phải kể đến “Bên Nhau Trọn Đời”, “Thời Gian Đẹp Nhất”, “Tam Nhân Hành”, “Thợ Săn Tiền Thưởng”…
Trước khi hóa thân thành “lão phượng hoàng” Chiết Nhan trong “Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa” thì Trương Trí Nghiêu (1975) cũng từng là một gương mặt nam thần đình đám của màn ảnh nhỏ Hoa Ngữ với các vai diễn nổi tiếng “Nữ Tướng Dương Môn”
Ở độ tuổi ngoài 40, “ông hoàng rating” Lục Nghị (1976) vẫn khiến nhiều chị em xao xuyến trước vẻ đẹp thanh tao, đậm chất trí thức của mình. Lục Nghị chắc chắn từng là “mối tình đầu” của rất nhiều khán giả nữ, anh gắn liền với hình tượng “soái ca vạn người mê” trong những bộ phim tình cảm lãng mạn, nhẹ nhàng như “Như Sương Như Gió Lại Như Mưa”, “Tiếng Sét Ái Tình”, “Vua Tốc Độ”. Gần đây, Lục Nghị gây tiếng vang trong lĩnh vực phim chính kịch và gặt hái được thành tựu lớn – tác phẩm “Danh Nghĩa Nhân Dân” là một trong số đó
Trần Khôn (1977) – nam diễn viên bí ẩn, kín đáo nhất nhì Hoa Ngữ – là hình mẫu lý tưởng mà bất cứ cô gái nào cũng sẽ phải lòng. Sống mũi cao, gương mặt góc cạnh, đôi mắt thâm tình cùng bờ môi cong cong là những nét đẹp đầy ấn tượng của Trần Khôn. Sự nghiệp điện ảnh của anh thực sự rất thăng hoa, các tác phẩm nổi bật như “Hoa Mộc Lan”, “Họa Bì”, “Ma Thổi Đèn”, “Long Môn Phi Giáp”
“Giáo chủ” hay “ông chồng quốc dân” Huỳnh Hiểu Minh (1977) là một trong những người đàn ông được phái nữ khao khát nhất tại Đại Lục. Trước khi là “chồng người ta” thì địa vị và danh tiếng của Huỳnh Hiểu Minh ở trong giới đã “không phải dạng vừa đâu”. Anh được khán giả Việt Nam biết đến đông đảo qua “Thần Điêu Đại Hiệp”, “Tân Lộc Đỉnh Ký”, “Tân Bến Thượng Hải”, “Bong Bóng Mùa Hè” hay “Cẩm Tú Duyên: Hoa Lệ Mạo Hiểm”
Ba của Nặc Nhất – nam diễn viên Lưu Diệp (1978) – cũng là một “soái ca” đẹp từ trong trứng nước. Anh được mệnh danh là “ông hoàng” của màn ảnh rộng Hoa Ngữ nhờ vào các tác phẩm như “Vô Cực”, “Mỹ Nhân Thảo” và “Kiến Quốc Vĩ Nghiệp”
“Mỹ nam cổ trang” Kiều Chấn Vũ (1978) tuy không nổi đình nổi đám nhưng nhan sắc đẹp không góc chết của anh là điều chẳng thể phủ nhận được. Gương mặt thư sinh hiền lành, đôi mắt sáng nhưng đượm buồn của nam diễn viên đã lỡ cướp mất tâm hồn của biết bao fan hâm mộ. Khi thì anh là nhà thơ Hạo Nhiên hiền lành, si tình của “Kim Phấn Thế Gia”, lúc lại hóa thân thành Âu Dương Minh Nhật ngạo khí, thanh lãnh trong “Tuyết Hoa Nữ Thần Long”
Nam diễn viên Phùng Thiệu Phong (1978) hoạt động rất tích cực cả trong mảng truyền hình và điện ảnh. Tạm bỏ qua những lùm xùm xung quanh đời tư đầy rắc rối của anh thì nam diễn viên thực sự rất có tài và năng lực. Phùng Thiệu Phong nổi tiếng như ngày nay là nhờ vào “Cung Tỏa Tâm Ngọc”, “Mỹ Nhân Tâm Kế”, “Họa Bì 2”, “Tôtem Sói”
“Lão cán bộ quốc dân” Hoắc Kiến Hoa (1979) từng có thời để mái tóc sư tử như thế này đây. Nhưng dù đầu tóc tổ quạ ra sao thì vẫn không thể làm lu mờ đi nét điển trai sẵn có của nam diễn viên Đài Loan. “Ông xã Lâm Tâm Như” thành công ở Đại Lục qua các bộ phim như “Hoa Thiên Cốt”, “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Tiên Kiếp Kỳ Hiệp”, “Khuynh Thế Hoàng Phi”
Nam thần Đài Loan Ngô Tôn (1979) – một mẩu của Phi Luân Hải – ngày càng nam tính và quyến rũ như một quý ông thực thụ. Sau nhiều năm vắng bóng, Ngô Tôn đã trở lại tái xuất màn ảnh Hoa Ngữ với tác phẩm truyền hình “Vũ Động Càn Khôn”
Quả không hổ danh là một trong bốn “Thiên nhai tứ mỹ”, nét đẹp của Nghiêm Khoan (1979) dường như bất biến theo thời gian. Nam diễn viên thành danh nhờ vào loạt phim truyền hình như “Tần Vương Lý Thế Dân”, “Mai Khôi Giang Hồ”, “Khuynh Thế Hoàng Phi”, “Tùy Đường Diễn Nghĩa”
(Còn tiếp)