20 gương mặt thanh niên sống đẹp

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 11/10/2005Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

1. Nguyễn Thanh Vũ là học sinh 10 năm liền xuất sắc toàn diện ở một trường chuyên nổi tiếng đất mũi Cà Mau. Vũ nhận học bổng Nguyễn Thái Bình khi đậu vào ba trường ĐH và bây giờ bạn là Phó phòng Kỹ thuật kinh doanh của chi nhánh Nhà máy Thiết bị bưu điện TPHCM.

 

2. Nguyễn Thị Huyền Trân được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình năm 1991 – 1992, hiện là Thạc sĩ kinh tế ngành quản trị, trưởng nhóm kinh doanh ngành hóa nhựa Tập đoàn SOJTZ của Nhật tại Việt Nam, Huyền Trân đã hai lần trở lại Báo Thanh Niên tham gia đóng góp vào quỹ học bổng.

 

3. Nguyễn Thụy Khánh Đoan – Cô gái bán vé số đậu 3 trường ĐH năm 1992 được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình. Khánh Đoan đã có nhiều cố gắng trong học tập và tiếp tục được nhận học bổng của Chính phủ Australia về ngành Quản lý môi trường. Hiện nay, bạn là Trưởng phòng Công nghệ môi trường của Công ty NIKE Việt Nam.

 

4. Phùng Thị Châu Anh – học sinh lớp 8 ở TP Đà Nẵng là học sinh nghèo học giỏi nhiều năm liền. Trên đường đi học về, em nhặt được chiếc túi xách, bên trong có 80 triệu đồng. Với số tiền ấy mang về nhà là cả giấc mơ cho gia đình em nhưng rồi em vẫn tìm đến người đánh rơi để trả lại.

 

5. Phạm Văn Bình – SV Trường ĐH Phương Đông Hà Nội đã bốn năm liền cõng bạn học Sơn Lâm bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam không đi lại được bằng hai chân. Ngoài ra, Bình còn đi làm thêm, kiếm tiền giúp đỡ bạn Lâm cùng học với mình trong bốn năm ĐH.

 

6. Đỗ Tiến Chúc – một học sinh nghèo hiếu học của xã Lang Thíp (Yên Văn, Yên Bái). Không chỉ học giỏi, Chúc còn là lao động chính trong nhà. Trên đường đi ở ven sông Hồng, Chúc thấy một chiếc thuyền chở khách bị đắm. Không ngại hiểm nguy với dòng nước chảy xiết, Chúc lao xuống sông, bơi vội chiếc thuyền nan đang đậu ở gần bờ ra giữa dòng, cứu toàn bộ chín người trên thuyền thoát khỏi chết đuối.

 

7. Lưu Văn Thùy ở thôn Ngọc Lẫm, xã Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa). Bằng tinh thần thanh niên tình nguyện dũng cảm, Thùy đã lao vào trong mưa bão giữa đêm tối để cứu năm em nhỏ đang bị nước cuốn trôi và nhấn chìm. Thùy đưa các em đến nơi an toàn và hô hấp sơ cứu, giành lại sự sống cho các em trong cơn bão số 7 vừa qua.

 

8. Nguyễn Văn Toàn ở thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã quên mình lao xuống sông cứu được bảy người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong hai năm 2004 – 2005.

 

9. Phạm Thị Huệ ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng đã không mặc cảm mình bị nhiễm HIV, đi tuyên truyền giúp cho cộng đồng hiểu biết về căn bệnh quái ác để tránh xa. Chị đã có hàng trăm cuộc nói chuyện, hàng ngàn ca tư vấn và cùng nhóm Hoa phượng đỏ chăm sóc người bị nhiễm HIV về vật chất và tinh thần. Chị đã cứu được hàng trăm thanh niên tránh được sự lây nhiễm hoặc lao vào con đường ma túy ở địa phương. Với tinh thần trên, chị đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Nữ anh hùng châu Á do Tạp chí Time bình chọn.

 

10. Hoàng Thị Thu Hiếu – Chi hội phó Chi hội Thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo thuộc Ủy ban Hội LHTN TP Hà Nội. Hiếu đã tuyên truyền vận động trên 150 thanh niên, SV tham gia hiến máu nhân đạo cứu người. Cá nhân chị Hiếu đã 11 lần hiến máu. Chị luôn túc trực khi bệnh viện cần máu. Ngoài ra, Hiếu còn là một SV xuất sắc của Trường Kinh tế kỹ thuật Ba Đình, Hà Nội.

 

11. Nữ tu Huỳnh Thị Thanh Thúy cùng các chị em đã tập hợp được hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi do bệnh Down và khuyết tật để chăm sóc, day học trong suốt ba năm qua. Nhờ đó, nhiều em đã trưởng thành, có công ăn việc làm và gia nhập tốt với cộng đồng.

 

12. Hoàng Thị Hảo ở Hải Dương là một tấm gương vượt khó đi lên, trở thành một doanh nhân, làm chủ một doanh nghiệp lớn tại địa phương. Doanh nghiệp của chị đã tiếp nhận, giải quyết việc làm cho nhiều trẻ mồ côi, tàn tật và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn khác.

 

13. Y Djít ở huyện Đắc Hoa (Gia Lai) đã xây dựng làng thanh niên lập nghiệp, thành lập nhiều CLB khuyến nông rất có hiệu quả với số vốn 1,2 tỷ đồng và hỗ trợ cho 190 thanh niên vay vốn đồng thời tạo được công ăn việc làm cho nhiều người. Anh còn hướng dẫn cho thanh niên những kiến thức cơ bản về lập thân, lập nghiệp tại làng mình, thực hiện việc nuôi trồng, tăng gia sản xuất của thanh niên ở địa phương.

 

14. Tiến sĩ sinh học Dương Tấn Nhựt – Phân viện phó Viện Sinh học Đà Lạt (Lâm Đồng) đã nghiên cứu cây thông đỏ bị báo động tuyệt chủng – một nguồn nguyên liệu tách chiết chữa bệnh ung thư – và giống lan hài có nguy cơ tuyệt chủng. Anh đã từ chối nhiều lời mời làm việc ở nước ngoài để phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên xin học bổng đào tạo giúp SV dân tộc, tôn giáo được đi học.

 

15. Đại đức Thích Thanh Phong – Phó ban Trị sự tổ đình Vĩnh Nghiêm (TPHCM) đã vận động xã hội đóng góp giúp mổ mắt cho 600 người, xây 100 nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách, người không nơi nương tựa, vận động học bổng giúp thanh thiếu nhi nghèo đến nay đã hơn 1 tỉ đồng.

 

16. Đặng Hoàng Phúc ở phường 13, quận Tân Bình, TPHCM là một thanh niên khiếm thị, đã học tập, nghiên cứu và quyết tâm xây dựng dự án thiết kế phần mạng lưới đào tạo tin học từ xa cho bốn tỉnh nhằm tạo tiện ích cho người khiếm thị, giúp họ dễ dàng hội nhập cuộc sống. Công trình của anh đã được một công ty phần mềm ở Philippines mua lại để phục vụ cho người khiếm thị của họ.

 

17. Tỳ khưu Danh Hữu Giang ở chùa Sóc Xoài, Sóc Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang) đã mở nhiều lớp văn hóa giúp thanh niên học tập, xóa mù chữ và vận động thành lập lớp tin học vi tính cho thanh niên địa phương với 10 máy bằng kinh phí tự tạo.

 

18. Nguyễn Văn Minh Tiến (TPHCM) trong nhiều năm qua đã có hơn 150 lần bắt cướp. Riêng sáu tháng đầu năm 2005, Tiến đã bắt được trên 25 vụ cướp đem lại niềm tin cho nhân dân ở địa bàn. Anh được mệnh danh Lục Vân Tiên của thời đại mới “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.

 

19. Nguyễn Hữu Tuấn, SV Trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TPHCM thường xuyên vận động quyên góp lịch kẽm làm sách cho người khiếm thị. Tuấn cũng tổ chức day học cho trẻ em mồ côi, vận động học bổng cho thanh niên khuyết tật, tham gia chiến dịch TNTN ở vùng sâu, vùng xa do Hội LHTN Việt Nam tổ chức.

 

20. Thái Văn Dũng (ca sĩ Quang Dũng) khi còn là cậu học trò nghèo ở Bình Định đã nhận học bổng Nguyễn Thái Bình để đi học và bây giờ trở thành ca sĩ nổi tiếng. Quang Dũng luôn tích cực làm công tác từ thiện, nhiều đêm hát cho các chương trình quyên góp quỹ học bổng, quỹ người nghèo. Bên cạnh đó, anh còn phối hợp với Lãnh sự quán Canada tổ chức chương trình văn nghệ gây quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam và thành lập Quỹ đồng hành Quang Dũng giúp người tàn tật và người già neo đơn.

 

Theo Mạnh DươngThanh Niên