16 tuổi, một mình trên đất Mỹ
Cô nhóc dễ thương, bướng bỉnh và thực tế
Con gái Hà thành, trắng trẻo, xinh xắn lại là con một, Vân Anh “nằng nặc” đòi đi du học bất chấp việc bố mẹ muốn giữ cô con gái cưng ở nhà. Học rồi thi, thi rồi học, Vân Anh sang Mỹ theo chương trình giao lưu văn hoá giữa 2 nước.
Niềm háo hức được đặt chân đến một đất nước hoàn toàn mới khiến cô quên đi nỗi nhớ nhà, quên đi rằng mình mới có 16 tuổi. Bắt kịp rất nhanh với cuộc sống mới, một gia đình mới. Sang Mỹ, cô sống cùng một đôi vợ chồng trung niên và một cô bạn người Thái cũng sang Mỹ theo diện này.
Trong một năm học giao lưu văn hoá (lớp 12), Vân Anh nhanh chóng xác định mục tiêu cho mình: “Cô bạn Thái của em không mặn mà lắm với nước Mỹ, và hầu hết các bạn nước ngoài khác đều thế, chỉ có du học sinh VN mình là giàu tính chiến đấu nhất, ai cũng muốn phải đoạt học bổng để ở lại”.
Vừa học, vừa tự lo cuộc sống trong một môi trường mới, Vân Anh tự cho là mình trưởng thành lên nhiều hơn. Cô bé tự nhận là “em học cũng bình thường lắm” nên phải thực tế trong việc lựa chọn trường ĐH để đạt học bổng cao nhất. Kết quả kỳ thi, điểm SAT của cô là 1280, và TOEFL là 610- một kết quả không phải là xuất sắc nhưng đủ để cô bé thực hiện ước mơ học ĐH Mỹ với học bổng 100%. Suất học bổng này cho phép cô bé học 4 năm mà không mất một xu tiền ăn, ở và học phí.
Một mình trên đất Mỹ
Nhớ lại lần đâu tiên đặt chân đến nước Mỹ, Vân Anh kể: “Lần đầu đến Mỹ em run lắm, và lo lắng sợ bị lạc vì phải chuyển sân bay, máy bay nhiều, mà em hồi ấy lớ ngớ có biết gì đâu!”
Ngày đó, em gầy gò bé tí tẹo mà hai tay hai cái vali to đùng, sau lưng là một cái balo, một cái túi cũng to sụ lếch thếch ở sân bay. Em đến nơi cũng bỡ ngỡ vì thường xem phim thấy nước Mỹ toàn nhà cao tầng, anh đẹp trai chị xinh gái đi lại tung tăng, trong khi sự thật là 90% nước Mỹ là nông thôn, toàn cây cối, hươu nai chạy khắp nơi… Em cũng bị lạc mất 1 cái vali, phải hai ngày sau mới nhận lại được, khổ nỗi lại đúng cái vali toàn quần áo nữa chứ!
Ngôn ngữ cũng là một trở ngại nữa, vì ở đây người ta nói rất nhanh, vùng em ở lại không nói giọng chuẩn nên cũng phải mất một tháng mới quen được. Nhưng hồi ấy vẫn còn háo hức nên chưa thấy buồn, thấy nhớ nhà mấy.
Trường ĐH của em rất bé, mỗi lớp thường chỉ có từ 10-15 SV nên ai cũng được thầy cô lưu ý quan tâm. Các thầy cô đều biết em đến từ VN, nên hay hỏi chuyện trước hoặc sau giờ học. Rồi có những lớp học về xã hội chẳng hạn, mọi người sẽ hỏi ý kiến em xem ở châu Á, hay ở VN, mọi người sẽ phản ứng với cùng vấn đề như thế nào, rồi cách suy nghĩ, văn hóa nước mình…
Là SV người Việt duy nhất tại trường, đôi lúc em cũng cảm thấy buồn, vì bạn bè dù mình có quý đến mấy cũng không thể có cùng cách suy nghĩ như người Việt mình với nhau”.
Ngoài vấn đề hoà nhập văn hoá, Vân Anh thừa nhận rằng đối đầu với thức ăn Mỹ là rất khó khăn. “Đồ ăn ở đây rất nhiều chất béo, chỉ cần bạn lơ là không cảnh giác, bạn sẽ bị mập ngay”.
Có lẽ, khi còn ở trong nước, Vân Anh không nghĩ sẽ có một ngày mình cũng chạy hùng hục theo quả bóng và sút. Tại đây, mọi SV đều phải tham gia ít nhất một lớp ngoại khoá. Cô bé đã chọn bóng đá vì chí ít, mình cũng biết… luật chơi như thế nào.
Trường của Vân Anh là trường nữ sinh và lại là SV người Việt duy nhất nên việc mà cô bé thích nhất là được nhìn thấy con trai và nói tiếng Việt. Theo Vân Anh, môi trường toàn nữ rất thoải mái và rất… tiết kiệm son phấn, vì buổi sáng có thể vội vàng đến lớp mà không phải lo mình có… xinh hay không.
Một ngày với 5 giờ trên lớp và 4 giờ làm thêm, cô bé ấy không có thời gian để nấu nướng và cả để nhớ nhà nữa. Với thu nhập 120 USD/tuần từ công việc làm thêm đủ cho Vân Anh mua sắm, đi chơi và xem phim… Nơi cô bé thích đi chơi nhất là
…”À, một điều buồn cười nữa là sau 1 năm đi về, em thay đổi rất nhiều. Diện mạo, rồi tác phong nhanh nhẹn hơn, tự tin hơn, ra dáng người lớn hơn (mẹ em bảo thế), đến mức mẹ em chẳng nhận ra em ở sân bay nữa. Thấy một đứa phăm phăm xách 2 vali to đùng xông tới mà không nhận ra là con gái mình” – Vân Anh cười tít mắt kể như vậy.
Theo Phương Thành TrungSinh viên Việt