15 tuổi vẫn bị “cấm cung”?

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 10/05/2012Lần cập nhập cuối: 09/02/2021

Em đã 15 tuổi rồi nhưng trong mắt bố mẹ vẫn y như một đứa con nít, em muốn đi đâu chơi cũng không được, chỉ cho đi với anh hoặc chị thôi. Em muốn được tự do như các bạn bè khác, có thể đi chơi với bạn bè nhưng không thể nào xin ba mẹ cho phép được. Cuối học kì này em đang định thi xong sẽ xin ba mẹ đi chơi với một chị hàng xóm và 2 anh bạn, nhưng không biết làm sao để mở lời cho ba mẹ đồng ý! (Thảo, 15tuổi, TP.HCM)

 

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa tâm lí – ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ:

 

Trước tiên anh xin chúc mừng em, vì em được bố mẹ yêu thương rất nhiều đấy, mặc dù ở một chừng mực nào đó sự yêu thương ấy trở nên bó buộc làm cho em nghẹt thở.

 

Thông thường trong mắt của bố mẹ, con cái luôn luôn còn bé bỏng mà, nhất là khi em mới 15 tuổi (nghĩa là chưa qua tuổi vị thành niên), lại là con gái nữa.

 

Để ba mẹ nới lỏng vòng tay hơn như em muốn, em cần chứng tỏ rằng mình có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân khi không có ba mẹ bên cạnh. Đó là điều kiện cần để tạo sự an tâm trong lòng ba mẹ trước khi cho em được tự do “tung cánh”.

 

Cuối học kì này, nếu em muốn xin đi chơi với anh chị hàng xóm, hãy cho ba mẹ biết trước về dự định này và xin ba mẹ lấy đó làm phần thưởng cho kết quả tốt của kì thi sắp tới. Nếu em học tốt thì tiếng nói của em sẽ có trọng lượng hơn hẳn đấy!

 

Ngoài ra, trước khi đi, em nên nhờ anh chị hàng xóm đến xin phép ba mẹ em trước, trình bày rõ kế hoạch các em sẽ đi đâu, phương án ăn uống ngủ nghỉ thế nào và hứa đảm bảo an toàn cho chuyến đi để ba mẹ hiểu rõ và yên tâm.

 

Ngoài ra em cũng nên nhờ các “đồng minh” là anh chị ruột trong nhà “đánh tiếng” ủng hộ hoặc trực tiếp thuyết phục việc tập cho em tự lập. Với tác động nhiều phía như thế, anh tin là ba mẹ sẽ cho em cơ hội để chứng tỏ rằng con gái yêu của ba mẹ nay đã trưởng thành và biết tự lo cho mình.

 

Quen nhau đã lâu nhưng em không biết tình cảm của tụi em là như thế nào vì em chưa tỏ tình với nhỏ và nhỏ cũng chỉ bảo em là cậu bạn thân nhất của nhỏ. Em định đi bộ đội vào tháng chín nên đã chủ động cắt liên lạc một thời gian để xem phản ứng của nhỏ như thế nào khi không có mình bên cạnh.

 
15 tuổi vẫn bị “cấm cung”?
 

Nhưng rồi cũng hơn hai tuần qua không thấy nhỏ gọi hay nhắn tin gì cả, không biết em hành động vậy là đúng hay sai đây? Em nên nói cho nhỏ biết tình cảm của em hay cứ để hai đứa như trước đây sẽ tốt hơn? (Hoài An, 20 tuổi, TP.HCM)

 

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa tâm lí – ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ:

 

Nhỏ bảo em là “cậu bạn thân nhất” của nhỏ, ngừng liên lạc hơn hai tuần mà nhỏ vẫn im lặng như tờ; vậy là rất có thể tim nhỏ cũng không có tần số đặc biệt gì với em rồi. Thế này, em hãy thử “ném đá thăm dò” lần cuối bằng cách cho nhỏ biết dự định đi bộ đội của em xem nhỏ phản ứng thế nào nhé?

 

Nếu nhỏ tỏ ra rất buồn, ngăn cản, thậm chí hu hu thì sẵn cơ hội ấy bày tỏ “tới” luôn. Nếu nhỏ chấp nhận lời tỏ tình thì khi đó, thay vì đi bộ đội em có thể chọn con đường khác để có điều kiện tiếp tục vun đắp tình yêu giữa hai người (nếu như việc đi bộ đội là không bắt buộc mà chỉ là dự định tự nguyện của em).

 

Còn nếu em buộc phải đi thì thì chuyện đi bộ đội một hai năm cũng không là vấn đề quan trọng lắm; hai người vẫn có thể tiếp tục nuôi dưỡng cho tình cảm này lớn lên bằng nhiều cách nếu như hai trái tim thật sự hướng về nhau.

 

Tuy nhiên nếu nhỏ vẫn tỏ ra bình thường và “chúc cậu lên đường may mắn” thì cũng không nhất thiết phải “niềm đau chôn kín” bởi khổ sở nhất là yêu mà không dám bày tỏ cho “người ta” biết. Chúc em không “khó nghĩ” nữa mà hãy dũng cảm để thể hiện tình cảm của mình đúng cách em nhé.

 

Mỗi buổi sáng em thường có cảm giác hoang mang và lo lắng, em luôn cố gắng lạc quan nhưng rất hay cảm thấy lạc lõng mặc dù bề ngoài em khá nhí nhảnh hòa đồng. Em hay bị tổn thương và dễ bị người ta bắt nạt và coi thường với lý do là nhiệt tình quá đáng! Nhiều lúc em cảm thấy thật khó thở để sống, xin hãy cho em một lời khuyên hoặc một địa chỉ để em tìm đến mỗi lúc mình thấy mệt mỏi…(Hoàng Anh, KTX ĐH KHTN)

 

Chuyên gia tâm lí Võ Thị Minh Huệ chia sẻ: Trong con người em dường như đang tồn tại hai cá tính, vẻ ngoài thì “nhí nhảnh, hòa đồng” nhưng nội tâm lại “lạc lõng, dễ tổn thương”, đêm về sống chính với trái tim nhạy cảm của mình. Như vậy thì rất mệt mỏi, em à!

 

Sao em không sống thật hơn với cảm giác của mình, có thể cho mọi người thấy nụ cười khi vui và cả những gọt nước mắt khi buồn? Sự lạc quan không phải cố gắng mà có được em ạ, nó phải thể hiện ở công việc, tình cảm, đam mê mà mình dành cho cuộc sống, những người xung quanh như thế nào.

 

Nếu em xác định được mục tiêu cuộc sống, những người xứng đáng để mình yêu thương thì chắc chắn em sẽ dần dần mất đi cảm giác hoang mang và lo lắng đang có đấy! Còn những người chỉ chăm chăm nhìn vào em mà bắt nạt, dò xét, có lẽ em nên quên họ đi. Nếu chúng ta sống mà cứ để ý xem thiên hạ nhìn mình như thế nào sẽ rất mệt mỏi.

 

Hãy tìm chỗ dựa ở gia đình, những người bạn tốt, hoặc tìm cho mình “một nửa”có thể chia sẻ mọi thứ với em chẳng hạn. Nếu em vẫn còn thấy hoang mang, hãy ghi tên mình vào các CLB đội nhóm, tình nguyện xã hội. Ở đấy, em sẽ tìm thấy được những người bạn tốt và được cống hiến một phần sức trẻ của mình cho xã hội, em cũng sẽ tìm thấy được động lực mới cho cuộc sống.

 

Theo Mực Tím