12 điều nhỏ bé để làm cho Tổ quốc

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 22/10/2007Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Tôi mở ra và nhìn thấy tựa đề “12 điều nhỏ bé mỗi người Philippines có thể thực hiện để giúp ích tổ quốc” (12 little things every Filipino can do to help our country). Tác giả – luật sư Alexander L. Lacson – chỉ là một thường dân, nhưng cuốn sách đã được khá nhiều nhân vật nổi tiếng của thế kỷ 20 quan tâm và giới thiệu. Một website (www.12littlethings.com) cũng được mở ra để mời gọi công chúng Philippines ủng hộ.

Đích thân cựu tổng thống Philippines Corazon C. Aquino – người phụ nữ đầu tiên làm tổng thống ở châu Á, được báo Time bình chọn là “nhân vật nữ của năm 1986” – đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách như sau: “… nếu như trước đây, sức mạnh của nhân dân dùng để lật đổ kẻ độc tài và làm nên những cuộc cách mạng, thì nay vẫn cần phải được tận dụng để tạo ra công ăn việc làm và lợi ích sinh nhai, phân phát dịch vụ công, mang lại hòa bình và trật tự, cũng như cải thiện cuộc sống mọi người dân… Mỗi người Philippines chúng ta hãy tự hỏi chính bản thân – Tôi đã làm được điều gì cho tổ quốc?”.

1. Hãy tuân thủ luật giao thông. Hãy tuân thủ luật pháp.

 

2. Khi mua sắm, hãy yêu cầu có hóa đơn chính thức.

 

3. Đừng dùng hàng nhập lậu. Hãy mua hàng sản xuất tại đất nước mình.

 

4. Hãy nói tốt và tích cực về đất nước và dân tộc.

 

5. Hãy tôn trọng cảnh sát giao thông, công an và nhân viên thi hành dịch vụ công.

 

6. Đừng xả rác bừa bãi. Hãy bỏ rác thải đúng nơi qui định. Hãy phân loại, tái chế rác thải và bảo vệ môi trường.

 

7. Hãy ủng hộ các quĩ cứu trợ, bảo trợ. Hãy làm việc từ thiện.

 

8. Hãy tôn trọng và hoàn thành nghĩa vụ bầu cử thật nghiêm túc.

 

9. Hãy trả lương cho nhân viên một cách công bằng.

 

10. Hãy đóng thuế.

 

11. Hãy nhận tài trợ cho một quĩ học bổng hoặc nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi.

 

12. Hãy thực hiện công việc làm cha làm mẹ thật tốt. Hãy dạy con cái biết cách tuân thủ luật pháp và yêu nước.

Ông Manuel V. Pangilinan là chủ tịch điều hành của First Pacific (một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu nằm trong top Forbes 50 của châu Á), chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của PLTD (Công ty Viễn thông Philippines), người được BusinessWeek công nhận là khuôn mẫu cho “các nhà quản trị châu Á thế hệ mới”, được AsiaWeek bình chọn vào top power 50 (50 người có sức ảnh hưởng nhất) của châu Á. Ông đã viết một thông điệp như sau về cuốn sách này:

“Nếu tất cả chúng ta, mọi người dân bình thường, chỉ đơn giản thực hiện được những gì mà Lacson đã viết, chúng ta có thể kiến tạo một Philippines mạnh mẽ, một quốc gia tốt đẹp hơn. Bởi vì nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm đây?”.

Đọc cuốn sách này, tôi thật sự bị thu hút vì những điều đơn giản mà tác giả đã trình bày và biện giải. Những điều đơn giản ấy có thể làm thay đổi ý thức, cách ứng xử và hành động của mỗi thành viên trong xã hội, của mỗi công dân trong một quốc gia.

Hãy tuân thủ luật giao thông! Hãy tuân thủ luật pháp!

Bạn có thể thắc mắc vì sao trong tất cả 12 điều nhỏ bé này, việc tuân thủ luật giao thông lại được đặt lên hàng đầu?

Câu trả lời thật đơn giản. Luật giao thông là những nguyên tắc giản đơn nhất trong nền pháp luật của một đất nước. Nhưng khi thực thi được, nó cho thấy đất nước đó có một nền tảng luật pháp vững mạnh. Học cách tuân thủ luật này chính là hình thức căn bản để mọi công dân cùng xây dựng những chuẩn mực cho cộng đồng và xã hội.

Việc làm nhỏ bé này hoàn toàn không làm chúng ta tốn công và tốn tiền, hoàn toàn dễ dàng thực hiện cho mọi người. Đó là vì luật giao thông hiện diện trong mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống thường nhật, khi người dân phải ra đường. Chúng ta đối mặt với khoản luật này hằng ngày từ sáng đến tối. Do đó, quyết định tuân thủ hay không tuân thủ luật giao thông chính là điều kiện để tạo ra một môi trường liên tục cho mọi người cố gắng và nỗ lực trong từng ngày. Nếu chúng ta quyết tâm giữ luật giao thông vào hôm nay, chúng ta cũng có thể làm được điều đó vào ngày mai, vào ngày mốt và trong tương lai.

Một ngày nào đó, việc tuân thủ luật giao thông của chúng ta sẽ có thể trở thành một thói quen, và dĩ nhiên, đó là thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia.

Một ngày nào đó, việc tuân thủ luật giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước.

Một ngày nào đó, quyết tâm này có thể xây dựng một thói quen văn hóa biết tôn trọng luật pháp của bất cứ công dân nào trong một đất nước văn minh.

Đó là vì trật tự cũng giống như những bậc thang. Trước khi leo lên được bậc cao nhất, hãy bắt đầu bằng nấc thang thấp nhất, bởi lẽ “cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên” (trích châm ngôn của Lão Tử).

Tất cả mọi điều vĩ đại trên thế giới này đều bắt đầu từ những thứ nhỏ bé ở đâu đó, ở một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ. Tất cả đều bắt đầu bằng một ý thức. Ý thức thật quan trọng, vì chúng sẽ trở thành hành động. Và hành động có thể trở thành thói quen. Và thói quen có thể trở thành một nếp sống. Và nếp sống có thể trở thành định mệnh cho một quốc gia, một dân tộc.

Hãy tôn trọng cảnh sát giao thông, công an và nhân viên thi hành dịch vụ công!

Đây là câu chuyện của một người dân ở Manila (Philippines): “Một lần nọ, khi đang lái xe ở Manila, tôi đã bị cảnh sát thổi vì không để ý tấm bảng hiệu giao thông cấm quẹo nhỏ xíu đặt ở góc đường, khuất sau hàng cây. Có bốn tài xế trước tôi cũng bị phạt. Tôi nghe họ đang cãi vã làm viên cảnh sát nổi nóng. Cả bốn người đều bị tịch thu bằng lái.

Khi đến phiên mình, tôi lịch sự chào viên cảnh sát: “Good afternoon”. Ông ta thoáng ngạc nhiên, xem tôi có ý định giễu cợt hay không. Tôi đã gọi ông ta là “officer” như cách gọi trân trọng của người Mỹ hoặc người Anh đối với viên chức nhà nước, rồi tôi cũng giải thích một cách lịch sự rằng tôi rất tôn trọng luật pháp và vì bảng hiệu giao thông vừa rồi quá nhỏ nên tôi không để ý. Tôi sẵn lòng chịu phạt, nhưng cũng đề xuất với ông ấy rằng nên thay một bảng báo hiệu lớn hơn để người lái xe dễ nhận thấy từ xa.

Thật đáng ngạc nhiên. Viên cảnh sát không hề phạt tôi hay tịch thu bằng lái. Ông ấy còn gọi tôi là “sir” một vài lần, rồi khuyên tôi lần sau nên đi cẩn trọng hơn. Ngày hôm sau, tôi đã thấy chiếc biển báo giao thông được thay”.

Câu chuyện trên cho thấy sức mạnh của sự tôn trọng phẩm giá con người. Một con người được người khác đối xử đúng với vị trí và trách nhiệm của mình sẽ cảm thấy giá trị được nâng cao. Đó chính là giáo dục cộng đồng sâu sắc.

Hãy suy nghĩ về thói quen mà chúng ta – những người đi đường và bị phạt – thường hối lộ cảnh sát giao thông. Qua hàng loạt bài báo về nạn mãi lộ trên đường, chúng ta thường nghĩ rằng giới cảnh sát phần lớn đều “ăn bẩn”. Tuy nhiên, hãy xem cách mà chúng ta đã làm cho họ bị biến chất như thế nào. Họ đã học thói xấu đó từ chính những người đi đường như chúng ta khi đối xử với họ bằng tiền bạc, chứ không phải bằng thái độ tôn trọng nhân vị.

Các chuyên gia tâm lý đều nhất trí rằng được tôn trọng là một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người. Mọi người đều muốn mình được tôn trọng. Mọi người đều muốn mình được công nhận. Mọi người đều muốn được đối xử một cách chân thực.

Vậy, chúng ta hãy đối xử với các công chức nhà nước đúng với trách nhiệm và phẩm giá của họ. Bởi vì khi chúng ta công nhận giá trị của họ, họ sẽ nhận ra giá trị của chính họ, cũng như giá trị của những bổn phận mà họ đang đóng góp cho tổ quốc. Sự tôn trọng đích thực có tầm quan trọng không thể nhận ra ngay được. Bởi vì những gì là thật sự quan trọng, chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy bằng trái tim, theo nhà văn Hoàng tử Bé Antoine de St. Exupéry.

Theo Nguyễn Đạt ÂnTuổi Trẻ